Diễn biến dịch tả ở Hà Nội: Dân kêu trời, cán bộ gồng mình
Đường vào thôn 7, thôn 8 thuộc xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội buổi trưa oi bức, hai bên đường vôi bột rải trắng xóa, mùi thuốc khử trùng, mùi vôi dưới cái nóng càng trở nên nồng nặc.
Tính đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện 22/30 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội tiêu hủy hơn 100.000 con lợn, và đang còn diễn ra phức tạp.
Chúng tôi có mặt tại 2 huyện Hoài Đức và Quốc Oai – nơi đang có dịch tả có chiều hướng lan rộng, trong thời tiết oi bức.
Theo chân đoàn kiểm dịch xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội đi tiêu hủy lợn tại một hộ dân trong xã, cán bộ huyện cho phóng viên báo Người Đưa Tin được biết, Quốc Oai là một trong những quận phát hiện dịch sớm nhất TP. Hà Nội. Đến nay số lượng lợn tiêu hủy ở huyện đã lên đến hơn 1.000 con và vẫn có chiều hướng gia tăng. Tại xã Sài Sơn, Quốc Oai, riêng ngày 13/5 phát hiện thêm một số hộ có đàn lợn mắc dịch cần phải tiêu hủy, mỗi hộ nuôi khoảng trên 10 con trở lên. Đây là xã mới bùng dịch mới nhất trong thời gian gần đây.
Gia đình ông Phong Ngọc Tuất, thôn Bái Giữa, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, một trong những hộ có đàn lợn nhiễm dịch cần tiêu hủy hôm nay, ông Tuất chia sẻ: “Nhà tôi có 12 con lợn cả lợn nái, lợn thịt, lẫn lợn con. Tuần trước có một con bỗng nhiên chết, gia đình đã nhanh chóng báo cho cán bộ thú y xuống kiểm tra và xét nghiệm, thì kết quả nhiễm dịch. Nhà không có vốn nên chỉ nuôi được ít, giờ dịch như thế này chỉ mong Nhà nước hỗ trợ được phần nào cho dân bớt khổ”.
Tại xã Cát Quế, Hoài Đức, đây là địa phương mới được phát hiện dịch của huyện, tuy nhiên số đàn lợn tiêu hủy đã lên tới nghìn con với trọng lượng hàng trăm tấn. Thôn 7, và thôn 8 là hai thôn có số lượng trang trại lớn nhất, cũng là hai địa phương mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn thịt. Nhưng từ cuối năm 2018 đến bây giờ, số lượng giảm đáng kể do hết dịch lở mồm long móng đến dịch tả Châu Phi, nhiều nông dân đã cạn kiệt vốn liếng không thể mua thêm giống về nuôi.
Bà Phạm Thị Thủy, trú tại thôn 7, xã Cát Quế cho biết, mỗi đợt nhà bà thường nuôi từ 30 con trở lên cả nái lẫn lợn thịt. Nhưng từ đầu năm đến nay, nhà bà phải tiêu hủy lên đến cả trăm con, số lượng lợn xuất ra thị trường đợt tháng 1 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cuối năm ngoái, dịch lở mồm long móng khiến gia đình bà cũng phải tiêu hủy đi số lượng lợn đáng kể.
“Tuần trước nhà tôi mới phải tiêu hủy hơn 30 con lợn, ước tính vài ba tấn. Vốn liếng bỏ vào đấy hết, giờ mất sạch, muốn ươm giống nhưng thứ nhất là không có tiền, thứ hai là sợ dịch chưa sạch nên cũng không dám. Nhà nước không hỗ trợ chắc chỉ còn nước đi làm thuê thôi”, bà Thủy cho biết.
Cô Ngô Thị Phương, bán quán đầu thôn chia sẻ với chúng tôi: “Từ khi có dịch đến giờ, số lượng lợn tiêu hủy tính đến hàng trăm. Nhiều hộ mặc dù lợn chưa chết hết, nhưng xét nghiệm cả đàn thì dính dịch nên người ta phải kích điện cho chết để đem đi tiêu hủy hết. Nông dân khổ, cái gì cũng phải hứng chịu, lãi không thấy đâu toàn thấy lỗ vốn. Giờ giá lợn giảm mạnh, thương lái còn không dám đến đây mua vì khu này đang nằm trong vùng dịch”.
Dọc đường quanh 2 thôn, vôi trắng, thuốc khử trùng nồng nặc trong không khí, khu chôn lợn nằm bên kia đê, đi qua cũng có cảm giác khó chịu.
Bà Lê Thị Thúy chia sẻ: “May mắn nhà tôi lợn vẫn chưa bị gì, nhưng tôi cũng phải đề phòng rắc vôi, tắm rửa, khử trùng. Mong là dịch sớm qua”.
Dịch lợn bùng phát không những người dân khổ, mà cả nước từ cán bộ cấp cao đến thấp đều cũng gồng mình hỗ trợ người dân trong công tác phòng chống dịch lan rộng, nhiều địa phương đã làm rất tốt, tuy nhiên cũng có rất nhiều địa phương vẫn lơ là trong công tác kiểm và tiêu hủy dịch lợn.
Sáng ngày 13/5/2019, tại Hà Nội, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham dự hội nghị.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch tả lợn châu Phi, tính đến ngày 12/5/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 2.296 xã (khoảng 40% số xã) của 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy hơn 1,2 triệu con, chiếm khoảng 4% tổng đàn lợn cả nước.
Đối với việc hỗ trợ thêm cho cán bộ tham gia chống dịch, lãnh đạo Hà Nội đề xuất tăng mức hỗ trợ cán bộ tham gia chống dịch vì theo quy định hiện nay chỉ được 100.000 đồng mỗi ngày; trong khi lao động tự do thu nhập 250.000 đến 300.000 đồng mỗi ngày.
Ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện ngày 1/2 tại Hưng Yên, sau đó lan nhanh ra các tỉnh, thành. Tính đến ngày 12/5, dịch đang xảy ra tại gần 2.300 xã của hơn 200 huyện tại 29 tỉnh, thành phố.
Mức hỗ trợ lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi theo quy định hiện nay tối đa chỉ 38.000 đồng/kg đối với thịt lợn hơi, lợn con dưới 2 tháng tuổi là 300.000 đồng/con, trên 2 tháng tuổi là 500.000 đồng/con. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia đánh giá, mức hỗ trợ này sẽ khiến nông dân “bán tháo” và không chịu khai báo dịch.
Theo : nguoiduatin.vn