Bộ GD&ĐT kỳ vọng “chấm dứt” nạn bạo lực học đường trong 5 năm tới

Thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa kỳ vọng trong 5 năm tới, việc thực hiện sáng kiến “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học” sẽ góp phần “thanh lọc” những hạt sạn bạo lực trong ngành.

Sáng 17/5, bộ GD&ĐT và tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác về Thực hiện sáng kiến “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học giai đoạn 2018-2022” tại trụ sở Bộ.

Theo đó, bộ GD&ĐT và tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam sẽ hợp tác triển khai một số nội dung, chương trình, hạt động tại 14 tỉnh, thành phố hiện có dự án của Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam.

Sự hợp tác này tập trung đẩy mạnh giáo dục thay đổi hành vi cho giáo viên và học sinh, hướng đến xây dựng và duy trì một moi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phi bạo lực.

Các nghiên cứu cho thấy bạo lực thân thể không chỉ để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với các kỹ năng tương tác xã hội của trẻ, mà còn ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của xã hội nói chung.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chỉ ra: “Trong các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, bạo lực thân thể là dễ nhận thấy nhất. Bạo lực thân thể trẻ em không chỉ để lại hậu quả về thể chất đối với các em mà còn gây ra tổn thương về tinh thần cho các em.

Bộ GD&ĐT kỳ vọng

Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh ngành giáo dục luôn mong muốn phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng chung tay đẩy lùi bạo lực trẻ em.

Chính vì những tác hại của bạo lực trẻ em, xâm hại trẻ em nói chung và bạo lực học đường nói riêng, ngành giáo dục luôn mong muốn phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng chung tay đẩy lùi bạo lực trẻ em”.

Trưởng đại diện tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam, bà Trần Thu Huyền cũng nhấn mạnh: “Thỏa thuận hợp tác này là một phần quan trọng trong nỗ lực bền bỉ của tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam, nhằm chung tay với Chính phủ Việt Nam chấm dứt tình trạng bạo lực đối với trẻ em, qua đó góp phần đảm bảo an sinh cho trẻ em Việt Nam”.

Trong khuôn khổ của thỏa thuận hợp tác, bộ GD&ĐT và tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam sẽ cùng đưa vào trường học những kiến thức, kỹ năng thực tiễn giúp giáo viên và học sinh ngăn chặn bạo lực đối với trẻ em trong trường học.

Cụ thể, hai bên sẽ phối hợp để giới thiệu phương pháp giáo dục tích cực cho đội ngũ giáo viên. Đây là cách dạy dỗ con trẻ hiệu quả hơn, giúp các em nhận biết và phát huy những thái độ, hành vi tích cực, mà không cần mắng mỏ hay sử dụng đòn roi. Đối với học sinh, giáo dục thay đổi hành vi sẽ được đặc biệt chú trọng để giúp các em nhận biết nguy cơ bạo lực, từ đó nâng cao khả năng xử lý tình huống và tự bảo vệ mình khỏi bạo lực.

Về những vụ bạo lực học đường xảy ra trong thời gian gần đây, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa bày tỏ kỳ vọng, hợp tác này sẽ góp phần “thanh lọc” những hạt sạn bạo lực trong ngành: “Thực ra, bạo lực học đường cũng có nhiều nguyên nhân, nhưng xuất phát từ sự nhận thức chưa đầy đủ của cả nạn nhân và cả người gây ra bạo lực. Vì vậy, để phòng tránh bạo lực học đường, cần nâng cao nhận thức; phổ biến kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân; đặc biệt đối với giáo viên, bồi dưỡng nhận thức, kỹ năng kiểm soát cảm xúc và các giá trị yêu thương trong quan hệ ứng xử.

Vụ cô giáo sử dụng bạo lực với học sinh ở Hải Phòng cũng đã được các cấp lãnh đạo quan tâm và trực tiếp xử lý, bộ GD&ĐT cũng đặc biệt quan tâm đến những vụ việc đau lòng”.

Thỏa thuận có hiệu lực từ ngày ký đến tháng 9/2022. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa kỳ vọng trong 5 năm sẽ nhận được kết quả tốt, tín hiệu đáng mừng, chấm dứt được bạo lực học đường.

Theo : nguoiduatin.vn

Back to top button