Bỏ viên chức suốt đời: Đời sống, tâm tư tình cảm của giáo viên có ảnh hưởng?

Xoay quanh việc sẽ thực hiện bỏ biên chế suốt đời, viên chức suốt đời, nhiều ý kiến cho rằng nếu ngành giáo viên và bác sĩ bỏ biên chế sẽ ảnh hưởng đến đời sống, tâm tư tình cảm của cán bộ…

Ngày 10/6, các ĐBQH thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Trước đó, Bộ trưởng bộ Nội vụ cũng đã trình bày những điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Nội dung này có 2 phương án thể hiện:

Phương án 1, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2).

Phương án 2, giữ như quy định hiện hành, sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, để người lao động yên tâm làm việc.

Trước nội dung này, nhiều ý kiến cho rằng ngành giáo viên, bác sĩ chủ yếu là viên chức. Nếu bỏ viên chức suốt đời sẽ dẫn đến người lao động không yên tâm công tác, như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, vừa dạy học vừa phải lo tìm việc làm hoặc bác sĩ không yên tâm thì công tác khám chữa bệnh cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.

Băn khoăn

Liên quan đến vấn đề này, bên hành lang Quốc hội, phóng viên đã lắng nghe ý kiến của ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Bình Phước) cho biết:

“Hiện nay, tôi chưa nắm được tổng số lượng viên chức trong các ngành, nhưng theo tôi được biết số lượng viên chức rất lớn. Điều này, sẽ ảnh hưởng đến đời sống, tâm tư tình cảm, đặc biệt là giáo viên trong ngành giáo dục.

Quá trình giảng dạy, công tác nếu cứ ký hợp đồng ngắn hạn, 3 tháng rồi nghỉ thì môn mà giáo viên phụ trách sẽ có người kế tiếp, nhưng sẽ bị ngắt quãng và nhiều vấn đề khác, làm cho tư thế người đang thực hiện nhiệm vụ băn khoăn, lo lắng, không an tâm… vì sợ đến một lúc nào đó hoặc đến thời gian hợp đồng không biết có được ký nữa hay không, hay bị cắt hợp đồng thì phải lo tìm việc khác. Như vậy, sẽ không tập trung chuyên môn, tư tưởng cho công việc”.

Chính sách - Bỏ viên chức suốt đời: Đời sống, tâm tư tình cảm của giáo viên có ảnh hưởng?

ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh cho rằng bỏ viên chức suốt đời thì đội ngũ giáo viên, bác sĩ sẽ bị tác động đến tâm tư, tình cảm.

Đưa ra giải pháp của mình, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh bày tỏ: “Theo tôi, nên quy định khung và phương pháp điều kiện để thực hiện. Phải phân tích, đánh giá tác động từ nhiều vấn đề, nếu không xem xét từ yếu tố thực tiễn, quá trình tổ chức thực hiện, không căn cứ trên vị trí việc làm mà áp đặt một cách chủ quan, vấn đề hợp đồng hay không hợp đồng thì nó ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc điều hành.

Chúng ta phải xét trên tổng thể, để quy định như thế nào cho phù hợp, nếu không thì không cần quy định mà chỉ cần quy định điều chung sau đó cho Chính phủ quy định chi tiết cách thức làm, phân loại viên chức ở góc độ lĩnh vực nào phù hợp với hợp đồng ngắn hạn, lĩnh vực nào phải ưu tiên hợp đồng dài hạn, ưu tiên chứ không thể cào bằng hết tất cả”.

Nhiều ý kiến e ngại nếu để Chính phủ quy định chi tiết cách thức làm, điều này có thể sẽ làm giảm đi tình trạng một số viên chức, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, như vậy có tạo ra sự lãng phí hay không?

Trả lời câu hỏi này, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh nêu: “Không thể để luật này điều chỉnh tất cả các đối tượng công chức, nhưng có thể có luật khác tương tác trong mối quan hệ, để làm sao nâng cao chất lượng bộ máy.

Ví dụ, theo lộ trình Chính phủ đang thực hiện đề án là vị trí việc làm và cải cách chế độ tiền lương. Nếu phân loại đối tượng viên chức thì sẽ ổn hơn. Còn cào bằng các lĩnh vực giáo dục, y tế… sẽ rất khó.

Thực tế, ban soạn thảo chưa đánh giá hết tác động, phân tích để làm sao có thể thuyết phục đại biểu. Làm cho hàng ngàn đối tượng công chức viên chức đang công tác lo lắng, băn khoăn. Nếu được, cần lấy ý kiến từ chính viên chức, đó là một kênh tham khảo để ban soạn thảo, quốc hội quy định như thế nào cho phù hợp.

Quan trọng, phải làm sao cho bộ máy hoạt động tốt, chứ không phải hình thức ký hợp đồng ngắn hạn hay dài hạn… Giao quyền chủ động cho thủ trưởng cơ quan, làm sao thủ trưởng cơ quan đó có quyền quyết định việc viên chức này có thể làm việc phù hợp với cơ quan đơn vị. Chính sự kiểm soát không tốt, chúng ta mới cho rằng một số viên chức chưa phát huy hiệu quả, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Vì thế, theo nữ đại biểu này, cần có một sự phân loại nhóm, lĩnh vực, vấn đề để quyết định ký hợp đồng ngắn hạn hay dài hạn, chứ không phải là quy định ngành đặc thù.

Đánh giá viên chức 

Trao đổi thêm về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) cho rằng: “Số lượng viên chức có thái độ ý thức làm việc chưa tốt, trì trệ chiếm tỉ lệ nhỏ. Căn cứ vào quy định của pháp luật, Bộ luật Lao động hiện nay quy định do người lao động ở thế yếu hơn, phải luôn luôn được pháp luật bảo vệ, cho nên việc không xác định điều kiện thời hạn, sự ổn định cho người lao động phải được đặt lên hàng đầu.

Từ thực tiễn và quy định của pháp luật như vậy, chúng tôi cho rằng cần giữ quy định hiện hành đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Câu chuyện còn lại ở đây không ở hình thức hợp đồng, mà ở chỗ trong quá trình tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, sàng lọc, phân loại và đánh giá viên chức chúng ta làm chưa tốt.

Vì vậy, chưa đánh giá được viên chức tốt hay không tốt, hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ để thực hiện chế độ đào tạo bồi dưỡng thêm, thậm chí nghiêm khắc hơn là kỷ luật hoặc buộc thôi việc, tất cả quy định của pháp luật đã có rồi nhưng do chúng ta làm chưa tốt.

Từ một việc nhỏ đánh giá chưa được chất lượng và hiệu quả làm việc của viên chức, cho nên chưa có biện pháp để xử lý. Hiện nay, chúng ta đưa ra một quy định là xác định thời hạn để tăng tính cạnh tranh, nhưng việc này lại tạo ra bất ổn về tâm lý, về vị trí việc làm và có nhiều bất ổn khác trong quá trình tuyển dụng bổ nhiệm viên chức vào các vị trí khác nhau. Tôi cho rằng, cần hết sức thận trọng ở quy định”.

Chính sách - Bỏ viên chức suốt đời: Đời sống, tâm tư tình cảm của giáo viên có ảnh hưởng? (Hình 2).

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh lại cho rằng cần hết sức thận trọng ở quy định.

Trả lời câu hỏi có nên bỏ viên chức suốt đời, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh bày tỏ: “Đối với công chức chúng ta vẫn đang theo luật hiện hành, thực tế không có gì vướng. Chúng ta có chế độ tuyển dụng rõ ràng, câu chuyện ở đây là đánh giá viên chức.

Cần cân nhắc những tác động của chính sách mới là phải toàn diện, nếu không chúng ta khắc phục một hiện tượng nhỏ, nhưng rồi lại đặt một vấn đề lớn hơn không có lời giải chắc gì đã tốt hơn, không khéo gây ra tác động ngược. Người ta đang làm ổn định, đang yên tâm công tác như trong lĩnh vực y tế, giáo dục… giờ lại bảo cắt viên chức suốt đời.

Cho nên, cần có cơ chế sàng lọc, sớm phát hiện đưa những trường hợp làm việc không tốt ra khỏi hệ thống mới là điều quan trọng”.

Nhóm PV Quốc hội

Theo: nguoiduatin.vn

Back to top button