Chủ tịch Vietcombank: “Hiện nay chưa phải thời cơ chín muồi mở công ty cho vay tiêu dùng”

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc mở công ty tín dụng tiêu dùng như VPBank, HDBank đã làm gần đây, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành khẳng định hiện tại chưa phải là thời cơ chín muồi để thực hiện, đặc biệt thời gian qua có những dư luận không tốt về hình thức cho vay này.

Sáng 26/4, ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã CK: VCB) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2019. Nhờ những kết quả kinh doanh “hoàn thành vượt mức tất cả chỉ tiêu đề ra” và mức lợi nhuận hơn 18.000 tỷ đồng – cao nhất trong hệ thống ngân hàng, ĐHĐCĐ Vietcombank nhận được khá nhiều phản hồi tích cực từ cổ đông.

Tài chính - Ngân hàng - Chủ tịch Vietcombank: 'Hiện nay chưa phải thời cơ chín muồi mở công ty cho vay tiêu dùng'

Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành

Giảm kế hoạch lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp

Đáng chú ý, so với kế hoạch lợi nhuận năm 2019 đưa ra trước đó là 20.500 tỷ đồng – tăng trưởng 12% so với năm trước, lãnh đạo Vietcombank trình ĐH kế hoạch điều chỉnh giảm nhẹ- về mức 20.000 tỷ đồng – đây vẫn là mức kế hoạch lợi nhuận cao nhất hệ thống ngân hàng năm nay.

Trả lời chất vấn của cổ đông về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành đưa ra lý do khá đặc biệt: “Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các NHTM, yêu cầu rà soát lại chỉ tiêu kế hoạch 2019, yêu cầu các ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) đầy đủ, trong trường hợp đã thực hiện tốt thì có thể chia sẻ gánh nặng lãi suất đối với các doanh nghiệp. Vietcombank là ngân hàng hiếm hoi rơi vào trường hợp thứ hai. Cho đến nay, Vietcombank đã trích lập DPRR đầy đủ với tỷ lệ trên 170% (tức 100 đồng nợ xấu đã có 170 đồng dự phòng) nên ngân hàng quyết định chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, giảm lãi suất nợ vay. Theo đó, ban lãnh đạo giảm nhẹ mục tiêu lợi nhuận từ 20.500 tỷ đồng về mức 20.000 tỷ đồng để giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp được xác định sẽ đem lại lợi ích lâu dài đối với ngân hàng”.

Song song với đó, người đứng đầu Vietcombank cũng cam kết sẽ thực hiện vượt mức kế hoạch đề ra (năm 2018, Vietcombank vượt kế hoạch lợi nhuận 37%, đạt hơn 18.000 tỷ đồng).

Chưa mở công ty cho vay tiêu dùng

Một vấn đề khác được cổ đông đề cập là xu hướng cho vay tiêu dùng như FECredit của VPBank hay HD Saison của HDBank hiện nay, vậy Vietcombank có kế hoạch gì không?
Tổng Giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết: “Kế hoạch thành lập công ty tín dụng tiêu dùng đã được ĐHĐCĐ thông qua từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Nguyên nhân xuất phát từ quy định một ngân hàng chỉ được mở 1 công ty tài chính, Vietcombank hiện nay đã có công ty cho thuê tài chính Vietcombank Leasing nên sẽ không mở thêm một công ty tín dụng tiêu dùng tương tự FE Credit hay HD Saison nữa. Mô hình tín dụng tiêu dùng của Vietcombank sẽ có bước đi riêng, vừa đảm bảo an toàn, hiệu quả và đáp ứng được những quy định của cơ quan chức năng”.

Về vấn đề này, Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành thông tin: “Ban lãnh đạo Vietcombank xác định bây giờ chưa phải là thời điểm chín muồi để mở công ty cho vay tài chính tiêu dùng, tránh ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của ngân hàng có tầm quốc tế như Vietcombank.

Bên cạnh đó, trong 4 NHTM Nhà nước hiện nay chưa có ngân hàng nào mở công ty tín dụng tiêu dùng riêng, đây là hướng đi đúng. Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện những dư luận không tốt xoay quanh hình thức này nên NHNN đã kiểm soát tốc độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng, đưa ra dự thảo quy định giải ngân bằng tiền mặt và cấm một số hình thức thu nợ tiêu dùng không phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam”.

Trước đây, Vietcombank được biết đến với vai trò là một trong số những ngân hàng có quy mô bán buôn lớn nhất, nhưng đến nay đã chuyển hướng sang bán lẻ khá hiệu quả, đặc biệt là sản phẩm cho vay mua ô tô.

Ông Thành lý giải 3 nguyên nhân: “Thứ nhất, thị trường cho vay mua ô tô rất mở, còn rất nhiều dư địa, nhất là khi đời sống ngày càng tăng, nhu cầu người dân mua ô tô càng lớn. Thứ hai là sản phẩm cho vay mua ô tô rất chuẩn. Thứ ba là ngân hàng có thể quản lý được dòng tiền”.

Tài chính - Ngân hàng - Chủ tịch Vietcombank: 'Hiện nay chưa phải thời cơ chín muồi mở công ty cho vay tiêu dùng' (Hình 2).

ĐHĐCĐ thường niên Vietcombank năm 2019

Đầu tư vào Eximbank, MBBank, Vietnam Airlines đang lãi hơn 2.000 tỷ đồng

Về kế hoạch thoái vốn khỏi một số tổ chức tín dụng mà Vietcombank đang nắm giữ vốn, Tổng Giám đốc Phạm Quang Dũng cho biết, năm 2018, Vietcombank đã thoái bớt vốn khỏi các tổ chức tín dụng như Eximbank, MBBank về dưới mức 5% – đáp ứng quy định tại Thông tư 36 của NHNN.

Một khoản đầu tư lớn khác của Vietcombank là tại Vietnam Airlines. Theo định giá thị trường, cho đến thời điểm này, Vietcombank đang lãi khoảng 2.000 tỷ đồng – tính riêng cho 3 khoản đầu tư trên, chưa bao gồm những khoản nhỏ lẻ khác

Ban lãnh đạo Vietcombank sẽ căn cứ vào kết quả kinh doanh thực tế, thực hiện tất cả theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, không chịu sức ép nào để thoái vốn.

Kết thúc năm 2018, Vietcombank một lần nữa phá đổ kỷ lục lợi nhuận của chính mình với mức lãi trước thuế 18.300 tỷ đồng, tăng 61% so với kế hoạch và vượt 37% kế hoạch (13.000 tỷ đồng) đề ra từ ĐHĐCĐ năm trước. EPS cả năm đạt 4.070 đồng. Huy động vốn tăng 13%, trong khi dư nợ tín dụng tăng 14,6%. Ngân hàng giữ nợ xấu ở mức 0,97%, thu hồi nợ ngoại bảng hơn 3.272 tỷ đồng.

Năm 2019, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 20.000 tỷ đồng, dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 8%.

Một số chỉ tiêu khác cũng được ngân hàng đặt ra như tổng tài sản dự kiến tăng 12%, dư nợ tín dụng tăng 15%, huy động vốn tăng 11-13%. Ngân hàng sẽ duy trì nợ xấu dưới 1% – thấp hơn nhiều so với mức quy định trần của Ngân hàng Nhà nước (3%). Mục tiêu thu hồi nợ ngoại bảng trên 3.000 tỷ đồng. Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành thông tin, về chỉ tiêu này, riêng trong quý I/2019, Vietcombank đã thu hồi được 1.200 tỷ đồng – đạt 40% kế hoạch đề ra, đóng góp lớn vào lợi nhuận trong kỳ.

Tài chính - Ngân hàng - Chủ tịch Vietcombank: 'Hiện nay chưa phải thời cơ chín muồi mở công ty cho vay tiêu dùng' (Hình 3).

Theo: Nguoiduatin.vn

Back to top button