Đến trường mùa mưa, học sinh “bì bõm” lội bùn đi học

Tuyến đường chỉ dài 5km nhưng có một đoạn khoảng 1km được ví như “con đường khốn khổ” của người dân. Xót xa nhất là các em học sinh vào mỗi buổi sáng đến trường, sau khi đi qua đoạn đường này thì từ đầu đến chân không có chỗ nào sạch sẽ.

Vừa đẩy xe vừa “bơi” trên đường

Tuyến đường liên xã từ UBND xã Nghĩa Mai đến trường tiểu học Nghĩa Mai B, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An dài khoảng 5km, đây là con đường chính, có đông người qua lại nhưng chưa được rải nhựa. Vì thế không tránh khỏi việc trời nắng thì bụi phủ dày, mưa thì lầy lội, trơn trượt đi lại rất khó khăn.

Trong con đường này có một đoạn khoảng 1km được ví như “con đường khốn khổ” của người dân. Thổ nhưỡng là đất đỏ vàng khi có mưa thường dính ướt, lầy lội nên rất khó di chuyển. Còn nếu việc mưa kéo dài trong nhiều ngày sẽ khiến con đường bị “biến dạng” và không thể tả hết nỗi vất vả, khổ cực của người dân nơi đây khi đi qua đoạn đường bùn lầy này.

Giáo dục - Đến trường mùa mưa, học sinh “bì bõm” lội bùn đi học
Việc người dân bị ngã khi đi trên con đường này đã quá quen thuộc.

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Chỉ cần trời không mưa, dù hơi khó đi chúng tôi vẫn có thể di chuyển được. Nhưng hôm qua trời mưa thì xác định hôm nay đường lầy lội, trơn trượt ảnh hưởng việc làm ăn của người dân. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần, mong chính quyền đổ bê tông nhưng hàng chục năm nay vẫn không thấy gì”.

Khốn khổ nhất chính là các thầy cô và học sinh vào buổi sáng đến trường. Bùn đất lầy khiến cảnh các cô giáo, thầy giáo và nhiều học sinh ngã xõng xoài trên nên đất đỏ “như cơm bữa”. Nếu ai may mắn không bị như vậy thì dù đi qua con đường này từ đầu đến chân cũng không có chỗ nào sạch.

Giáo dục - Đến trường mùa mưa, học sinh “bì bõm” lội bùn đi học (Hình 2).
Khổ nhất là các em học sinh trường tiểu học Nghĩa Mai B.

Thầy Nguyễn Anh Đức, giáo viên trường tiểu học Nghĩa Mai B cho biết: “Đoạn đường bẩn nhất khoảng 1km nhưng hôm nào cũng phải mất cả tiếng đồng hồ để di chuyển, bởi không ai dám đi nhanh. Thậm chí nhiều người đến đoạn đường này phải xuống dắc bộ, vì chỉ cần lên xe là sẽ bị trượt ngã”.

Những học sinh đi xe đạp đến trường, cứ đi được một đoạn là đất bám đầy xe, bánh xe chẹt cứng không thể đẩy được. Vì vậy, cứ hôm nào trời mưa thì thầy trò lên lớp đều lấm lem bùn đất, có em không kịp về thay đành mặc áo bẩn vào học cho kịp giờ. Đặc biệt, tình trạng càng thêm khốn khổ vào mùa đông, thời tiết vừa mưa vừa lạnh, quần áo mỗi lần bị bẩn thì rất lâu khô.

Giáo dục - Đến trường mùa mưa, học sinh “bì bõm” lội bùn đi học (Hình 3).
Cứ khi đi qua thì bánh xe đều bị kẹt đầy bùn đất.

“Tôi mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm, giúp đỡ, sửa sang lại con đường này để các giáo viên, học sinh và người dân an tâm khi di chuyển qua đây, tránh những tai nạn đáng tiếc”, thầy Nguyễn Anh Đức kiến nghị.

Chưa thể làm vì không có ngân sách

Việc các em học sinh bị trượt ngã đã khiến nhiều phụ huynh vô cùng lo lắng. Trong lúc chờ chính quyền, đã rất nhiều lần người dân xã Nghĩa Mai vận động nhau mua xe đá về đổ rồi bỏ ngày công san lấp, khắc phục để đi lại. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời, bởi cứ mưa xuống là trôi hết và con đường tiếp tục trơn trượt.

Giáo dục - Đến trường mùa mưa, học sinh “bì bõm” lội bùn đi học (Hình 4).
Nhiều lần xe cứu thương đều “chết đứng” khi đi quan con đường này.

Lâu ngày thành quen, người dân chấp nhận “sống chung với lũ”, khi đến đoạn đường này thì ý thức được nên giảm tốc độ, đi chậm hoặc chấp nhận xuống xe đẩy bộ. Tuy nhiên, trường hợp đau ốm cấp cứu mới đáng lo ngại. Thậm chí, xe cấp cứu của bệnh viện cũng “chết đứng” khi đi qua đoạn đường này.

“Chở người đau ốm, bệnh tật bằng xe máy qua con đường này thì đúng là hết khổ. Người nào vững tay lái, tinh thần thép mới dám đi. Chứ phụ nữ và người già thì chịu thua không thể đi được”, một người dân cho hay.

Giáo dục - Đến trường mùa mưa, học sinh “bì bõm” lội bùn đi học (Hình 5).
Để giúp thầy cô và học sinh đến trường, người dân phải sử dụng máy kéo.

Liên quan đến vụ việc, ông Hoàng Văn Nhường, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mai cho biết, đây là xã nghèo 135 của địa phương, với hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số Thanh, Thái, Thổ… sinh sống, việc tự bỏ kinh phí để nâng cấp sửa chữa con đường nằm ngoài tầm tay của địa phương.

Chính quyền địa phương đã nhiều lần đề xuất và kiến nghị để được sửa chữa nhưng chưa có chủ trương. Vì không có tiền nên đành phải… chờ.

“Chúng tôi biết người dân khổ, chính tôi cũng đi trên con đường này nên biết. Thế nhưng chính quyền xã cũng chỉ có thể đề xuất lên huyện, mong các cấp quan tâm để làm con đường bê tông cho người dân đi lại trong những ngày mưa lạnh” ông Nhường nói.

Theo: Nguoiduatin.vn

Back to top button