Du học sinh Việt: Tết ở nơi xa dù có đầy đủ, tươm tất thế nào vẫn là thiếu thốn

 

“Quà nào bằng gia đình sum vầy. Tết nào vui bằng Tết đoàn viên”. Tết đến Xuân về là dịp để mỗi người trở về nhà sum họp với gia đình nhưng vẫn có không ít du học sinh vì những nhiều lý do mà phải ăn Tết nơi đất khách quê người.

Càng gần đến Tết càng nhớ nhà nhiều

Sau một năm bận rộn công việc với nhiều nỗi lo toan, dự định, Tết là dịp để gia đình sum họp, quây quần bên nhau. Bất cứ ai dù đi đâu, làm gì thì đều có mong mỏi được về bên những người thân yêu. Thế nhưng không phải ai cũng được hưởng một cái Tết đoàn viên, sung túc. Nhiều du học sinh Việt ở nước ngoài vì lịch học, lịch thi vì cách trở địa lý mà không thể về quê ăn Tết. Nhớ nhà, nhớ quê, cảm xúc vui có buồn có… đó làm tâm trạng của nhiều du học sinh, đặc biệt là những du học sinh lần đầu ăn Tết xa nhà.

Trước Tết Nguyên đán nửa tháng, Trần Thị Quỳnh Trang (SN 1997), hiện đang là sinh viên trường International School of Business (Tokyo, Nhật Bản) đã muốn bỏ lại tất cả công việc để trở về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình.

Trần Thị Quỳnh Trang du học sinh tại Nhật đã muốn bỏ lại tất cả công việc để trở về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình.

Nghĩ đến Tết ở Việt Nam, Quỳnh Trang lại cảm thấy cô đơn và tủi thân: “Mình sang đây được hơn 5 tháng và đây là cái Tết đầu tiên mình xa quê, xa gia đình. Mình nhớ nhà, nhớ quê, nhớ người thân, nhớ bạn bè nhiều lắm”.

“Gần một tuần nay, tôi ít vào mạng xã hội hơn. Vì nhìn cảnh bạn bè, người thân quây quần, sắm sửa, chuẩn bị đón Tết mình không khỏi chạnh lòng, thấy buồn, tủi thân. Tôi nhớ không khí nhộn nhịp, rộn ràng, mọi người tất bật đón Tết, nhớ bữa cơm đầm ấm bên gia đình chiều 30 Tết, nhớ cảm giác hồi hộp, chờ đợi xem bắn pháo hoa đêm giao thừa, nhớ sáng mùng Một dậy thật sớm để được bố mẹ lì xì. Tôi nhớ Tết Việt rất nhiều”, Quỳnh Trang trải lòng

“Tết bên đây, dù có đầy đủ thế nào vẫn là thiếu thốn”

Vũ Thị Diệu Thúy là một du học sinh Trung Quốc chuyên ngành Văn hóa, nhớ lần đầu tiên ăn Tết xa quê hương, Thúy cảm thấy cho dù mọi thứ có đủ đầy, có sung túc nhưng vẫn rất thiếu cảm giác thân thuộc của Việt Nam: “Bên này, bạn bè người Việt vẫn tụ tập, quây quần ăn với nhau bữa cơm sum họp như ở quê. Chỉ khác, đó là khoảnh khắc không ai nhìn vào mâm cơm, mỗi người quay đi một góc gọi điện về cho gia đình, là những giọt nước mắt rơi vì nhớ nhà. Chúng tôi chỉ chuẩn bị một mâm cơm tươm tất, chu toàn cho ngày Tết để chụp gửi cho bố mẹ ở nhà”.

Mâm cúng đơn giản của Diệu Thúy khi ăn Tết xa quê hương.

Còn Phùng Trang (hiện đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Siegen ở Đức) lại có một chủ trương buồn ít, vui nhiều khi dịp Tết đến: “Tôi cho rằng dù cảm xúc của ai có kiên cố thế nào thì cũng có dao động trong cái Tết đầu tiên xa nhà. Hoàn cảnh chung của mọi người là chưa quen với thổ nhưỡng và khí hậu cộng với khác biệt văn hóa. Điều đó càng là chứng cớ rõ ràng cho việc nhớ nhà, đặc biệt ngày Tết. Chúng tôi chủ trương buồn ít vui nhiều nên tổ chức Tết với nhau, cũng rất đáng nhớ”.

“Ở bên này có một cái hay là được đốt pháo. Nhóm tôi mua pháo trong thời gian Tết Dương lịch vì lúc đó siêu thị bán cho dân bản xứ đón tết Dương. Đến Tết Nguyên đán, thì đem ra đốt. Phải nói sau bao nhiêu năm không đươc ngửi mùi pháo, giờ thấy lại có cảm giác vui lạ, khác hẳn cảm giác sung sướng khi được dùng đồ tối tân như iphone hay ipad”, Trang vui vẻ kể lại.

Tết đến thì không thể thiếu bánh chưng xanh, tuy bánh không ngon như ở quê nhà nhưng với những du học sinh như Trang thì điều đó đã gọi là quý hóa và tư bản lắm, Trang chia sẻ: “Trước tiết mục đốt pháo phải là một chương trình ăn uống. Chúng tôi có đặt được bánh chưng cỡ 10 Euro một cái nhưng phải đặt trước 2 tuần. Có thể bánh chưng không được đun bằng xoong gang, lửa củi hay sao mà ăn không ngon như ở quê, nhưng với những bạn du học sinh như tôi thì vẫn thấy thế là quý hóa và tư bản lắm rồi. Bánh chưng cũng lá dong, nhân đường nhân thịt, cũng giò lụa hành chua, cũng miến xào măng nấu. Sinh viên chúng tôi cũng có những tay nấu ăn sành sỏi và rửa bát hảo hạng nên tiệc tùng Tết cũng vui”.

Ngày Tết Việt Nam, bên này vẫn là ngày bình thường

Tết năm nay cũng là lần đầu tiên mà cậu bạn Lê Xuân Phúc (Du học sinh trường École Polytechnique, Pháp) cảm nhận về cái Tết xa nhà, một cảm giác vừa vui, vừa buồn đan xen: “Tôi chưa xa nhà vào dịp Tết bao giờ nên lần đầu ăn Tết ở Pháp có cảm giác rất lạ, vừa vui cũng vừa buồn. Ngày Tết Việt Nam thì bên này vẫn là ngày bình thường. Chúng tôi chỉ được nghỉ 2 ngày để đón Tết Nguyên đán. Hơn nữa đợt Tết Nguyên đán là thời gian sinh viên thi kỳ mùa đông nên tôi cần ôn bài, chuẩn bị cho kì thi. Đấy cũng là lý do mà đa số sinh viên Việt Nam ở đây không về quê ăn Tết Nguyên đán được”.

 Du học sinh Lê Xuân Phúc ăn Tết cùng những người bạn Việt Nam ở Pháp.

Không chỉ có Phúc, Ngọc Thùy đang học tập ở Anh cũng bận rộn với việc học tập và làm thêm nên Ngọc Thùy cũng không cảm nhận rõ nét không khí Tết: “Lúc cha mẹ, người thân đang chuẩn bị vui mừng đón năm mới thì tôi vẫn phải đi làm thêm. Đây không phải là ngày nghỉ của họ nên muốn xin nghỉ rất khó. Hơn nữa, nếu về phòng cũng sẽ thấy buồn, thấy nhớ nhà. Chỉ cần một cuộc điện thoại về nhà, nghe giọng bố mẹ, nhìn không khí Tết là cảm thấy vui rồi”.

Mỗi người tuy một cảm xúc, một tâm trạng khi lần đầu đón Tết xa xứ. Nhưng dù có đầy đủ đến đâu đi chăng nữa thì vẫn luôn thiếu một hương vị đậm đà ngày Tết. Đó là gia đình.

Ngọc Quỳnh – Thu Huyền

 

Theo: Nguoiduatin.vn

Back to top button