Gian lận thi cử Sơn La: Thí sinh là con cán bộ trong ngành, xử lý phụ huynh thế nào?

12 thí sinh trong vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La là con của những cán bộ giáo dục tại địa phương. Những phụ huynh này cần bị xử lý ra sao?

Trong danh sách 44 thí sinh gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La, có tới 12 thí sinh là con em cán bộ đang công tác trong ngành giáo dục tỉnh này.

Đáng chú ý, trong số những thì sinh này này có con một Phó Giám đốc sở GD&ĐT Sơn La đương nhiệm, Chánh thanh tra Sở, Trưởng phòng Giáo dục trung học, và một số chuyên viên của sở GD&ĐT, hiệu trưởng, giáo viên một số trường THPT trên địa bàn.

Mức điểm của các thí sinh “con em trong ngành” được chỉnh sửa cũng rất đa dạng, tổng điểm chênh giữa điểm công bố và điểm thực sau khi chấm thẩm định thấp nhất là 3 điểm, cao nhất lên tới 17,75 điểm.

“Không có vùng cấm”

Trước vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT khẳng định: “Về nguyên tắc, trong vấn đề xử lý gian lận, phải thật nghiêm minh, công bằng, minh bạch. Trên nguyên tắc đó, tôi cho rằng không có vùng cấm đối với bất kỳ ai, kể cả đối với những người công tác trong ngành giáo dục.

Càng là cán bộ giáo dục, chúng ta càng phải xử lý một cách mạnh mẽ hơn. Bởi vì, là người đứng trong đội ngũ giáo dục, phải là người chống những gian lận đó, mà bây giờ, lại trực tiếp tham gia, thì quá sai trái, không thể có chuyện vì là đội ngũ giáo dục mà nương nhẹ”.

Ông cho biết: “Như hiện nay, các thí sinh gian lận tại Hòa Bình đang học tại các trường công an đã bị trả lại địa phương, cần phải công khai như thế mới có tính răn đe”.

Giáo dục - Gian lận thi cử Sơn La: Thí sinh là con cán bộ trong ngành, xử lý phụ huynh thế nào?

12 thí sinh gian lận điểm thi tại Sơn La là con em cán bộ giáo dục.

“Trước mắt, phải kiểm điểm để những cán bộ giáo dục nhận ra sai lầm, Sở, phòng GD&ĐT phải làm thật nghiêm khắc để trước mắt giúp họ có nhận thức đúng đắn, sau đó mới tiến hành kỷ luật. Mức độ kỷ luật tùy thuộc động cơ, phương thức tiến hành, sự hối cải sau khi xảy ra,…

Tuy nhiên, tối thiểu cũng là đình chỉ giảng dạy có thời hạn nếu là giáo viên, giảng viên, rồi xem xét đưa ra khỏi ngành giáo dục. Những cán bộ công tác tại các vị trí khác trong ngành cũng cần xem xét cách chức đưa ra khỏi ngành. Phải làm thật nghiêm khắc thì những người trong nội bộ ngành mới có bài học, mới “chừa” được. Việc lợi dụng vị trí trong ngành, lợi dụng sự thân quen, “móc ngoặc” mối quan hệ, hối lộ… cần có sự đánh giá thật chính xác để xử lý”, nguyên Thứ trưởng phân tích thêm.

Cần xử lý nghiêm tội hối lộ

TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường đại học FPT đánh giá: “Phải xem xét lại nguyên nhân, phương thức tạo ra những tiêu cực như trong những kỳ thi tuyển sinh THPT Quốc gia vừa qua. Căn cứ danh sách những người đã bị khởi tố, làm việc với cơ quan công an, toàn bộ bộ máy làm việc tạo ra tiêu cực liên quan trực tiếp đến toàn cán bộ giáo dục và công an, trong đó, công an làm nhiệm vụ bảo vệ, cán bộ giáo dục thì làm nhiệm vụ chấm thi, thư ký phòng thi,… Tạo ra chuyện sửa điểm, thay đổi, gây nhiều sự chú ý. Phía sau là thí sinh và các phụ huynh.

Bản thân những người tham gia tiêu cực trong ngành giáo dục, khi sửa điểm cho những thí sinh khác, thấy dễ dàng hưởng lợi từ chuyện này, thì cũng “tiện tay” sửa luôn điểm cho con mình. Cuối cùng, các cán bộ giáo dục cũng dính dáng đến chuyện này, làm thì nghĩ chuyện sẽ được giữ kín, không ngờ một ngày chuyện lại bị phát hiện và phanh phui. Vì vậy, bản thân những người sửa điểm thì sửa luôn cho con mình, cháu mình, hoặc những phụ huynh có những mối quan hệ trực tiếp với người chấm thi thì cũng thực hiện luôn, thí sinh là con em cán bộ trong ngành giáo dục được hưởng lợi.

Đó là lý do vì sao trong danh sách những thí sinh gian lận, phụ huynh làm cán bộ trong ngành giáo dục có tỷ trọng nhiều hơn phụ huynh tham gia trong các ngành khác”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị trường đại học FPT cho rằng: “Việc xử lý, những người sửa điểm trực tiếp thì công an đang điều tra, lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm ra những vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến xã hội.

Ngoài ra, chuyện sử dụng tiền bạc giống như hối lộ, cần được xử lý đúng tội. Trong các trường hợp gian lận này, chính phụ huynh là những người đứng ra trả tiền, cần mở rộng truy tố để xử lý.

Trong nội bộ ngành, xử lý theo những quy tắc chung. Trước mắt, xử lý theo khung quy định của pháp luật về tội đưa hối lộ”.

Giáo dục - Gian lận thi cử Sơn La: Thí sinh là con cán bộ trong ngành, xử lý phụ huynh thế nào? (Hình 2).

TS. Lê Trường Tùng.

“Quan trọng nhất, những vấn đề như vậy liệu có xảy ra trong năm 2019 hay không? Trước đây, những hành vi này diễn ra trong trạng thái an toàn, không có vấn đề gì, kín kẽ nội bộ, ít người chú ý, nhưng năm nay sẽ bị soi nhiều hơn. Giả sử, nếu cán bộ công an bảo vệ điểm thi cùng với cán bộ ngành giáo dục tham gia chấm thi tại các điểm thi cấu kết với nhau, nhiều khi những giải pháp kỹ thuật phải làm sao ngăn chặn?”, TS. Lê Trường Tùng nhấn mạnh.

Nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng: “Đối với những phụ huynh trong các ngành khác, xem xét mức độ nhận thức trước đó và đang công tác tại cơ quan nào để xử lý, chắc chắn tại mỗi cơ quan cũng sẽ có hình thức kỷ luật riêng đối với từng cá nhân. Phải tùy thuộc mức độ cân nhắc hình thức để nghiêm khắc xử lý. Việc sử dụng tiền để chạy điểm cũng chính là hành vi hối lộ, vì vậy, cần phải xử lý theo đúng quy định cuả pháp luật”.

Theo: Nguoiduatin.vn

Back to top button