Giao thông TP.HCM năm Mậu Tuất 2018 qua những số liệu bất ngờ

Năm 2018 là một năm có nhiều biến chuyển với TP.HCM, thành phố đông dân và năng động nhất cả nước. Trong đó, lĩnh vực giao thông vận tải luôn được quan tâm, bởi đây là ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả người dân.

Nếu chỉ nói riêng về việc đi lại, nhiều người sẽ hy vọng ngày nào cũng là lễ Tết. Bởi, trong những ngày này, hàng triệu người lao động đã về quê và đường xá lúc nào cũng thông thoáng. Nhưng chỉ sau 1 tuần nữa, khi đợt nghỉ lễ kết thúc, lượng dân cư đông đúc sẽ trở lại và giao thông TP.HCM sẽ tiếp tục căng thẳng.

Tin nhanh - Giao thông TP.HCM năm Mậu Tuất 2018 qua những số liệu bất ngờ
Đồ họa: Tình hình giao thông tại TP.HCM năm 2018 (dựa theo báo cáo của sở GTVT TP).

Tuy nhiên, khi nhìn lại các số liệu, nhiều người dân có quyền hi vọng sự chuyển biến tích cực của giao thông TP.HCM sẽ theo đà phát triển. Trong năm qua, chuyển biến lớn nhất của giao thông TP.HCM chính là xây dựng hàng loạt công trình trọng điểm.

Có thể kể đến như vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2), nút giao thông An Sương (quận 12) hay vòng xoay Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp giáp ranh quận Phú Nhuận). Hàng loạt dự án cầu vượt quanh khu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) đã giải quyết rất nhiều điểm nóng ở các khu vực cửa ngõ. Từ những nỗ lực đó, toàn thành phố còn 28 điểm đen về ùn tắc giao thông, giảm 6 điểm so với năm 2017.

Trong năm vừa qua, TP.HCM cũng đã có nhiều sáng kiến ứng dụng công nghệ vào hoạt động điều hành giao thông. Trung tâm điều hành ở hầm vượt sông Sài Gòn (quận 1) đã phát huy vai trò rất tốt nhằm kéo giảm nguy cơ ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, các phần mềm như eParking giúp người dân đậu đỗ xe ở 23 tuyến đường trung tâm, phần mềm Thông tin giao thông vận tải cảnh báo kẹt xe, tương tác trực tiếp với người dân… là những giải pháp đã ít nhiều phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, vấn đề ngập nước vẫn luôn là nỗi nhức nhối đối với người dân lẫn cơ quan chức năng. Nhiều giải pháp đã được triển khai nhưng vẫn chưa thể khẳng định hiệu quả rõ rệt. Dự án Chống ngập 10.000 tỷ vẫn đang tạm dừng, siêu máy bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) vẫn bế tắc, hồ điều tiết (quận Thủ Đức) vẫn còn được nghiên cứu thêm,…

Về vĩ mô, lãnh đạo TP.HCM cũng thừa nhận việc chậm trễ trong đầu tư hạ tầng. Cả thành phố có 454 dự án giao thông với kế hoạch vốn 4.510 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được hơn 60%. Nhiều dự án có vai trò quan trọng như Đường sắt đô thị TP.HCM, đường vành đai 3, cầu Thủ Thiêm 2… đều đang ở lưng chừng trong sự ngóng trông của người dân.

Theo: nguoiduatin.vn

Back to top button