Mùi vị của thịt kho tàu

Có lẽ vì luôn nuôi dưỡng âm thầm niềm ao ước được một lần ăn món thịt kho tàu xa xỉ nên những cái Tết nghèo của anh em tôi dường như cũng trở nên “dậy vị” hơn.

Lúc nhỏ, mấy anh em tôi thường ao ước được ăn một bữa cơm với thịt kho tàu để biết nó ngọt nhạt thế nào, “đưa cơm” ra làm sao vì từ đứa lớn cho tới đứa bé chỉ mới được ngắm nhìn nồi thịt kho nhà hàng xóm, được biết mùi mà không biết vị. Và với những đứa trẻ lem luốc nghèo khổ như chúng tôi hồi đó, thịt kho tàu mãi mãi là món ăn đáng khao khát.

Mỗi lần khói bếp lên, nồi thịt kho tàu nhà bên tỏa mùi thơm nức mũi, mấy anh em lại được dịp lên cơn đói và thèm ăn. Và rồi đứa nào đứa nấy nước mũi lòng thòng, nước miếng thì nuốt từng cơn ừng ực.

Anh hai nói chắc sẽ không bao giờ xuất hiện món thịt kho xa xỉ đó trong gian bếp nhà mình, vì mẹ chỉ quanh năm tứ mùa kho đồ ăn bằng cái niêu đất xỉn màu đựng cẩn thận trong hai chiếc rế bằng thân vàu. Đồ ăn của mẹ chỉ có thể là mẻ cá dặm mẹ tranh thủ tạt qua mương nước hồi chiều; hoặc những con cá lòng tong, cá thát lát còn sót lại nơi ván thuyền mà hồi hôm ba đi tát đìa về, những con lớn đã bị mẹ nhặt mang hết lên xóm chợ. Vậy nên với bầy trẻ con tụi tôi hồi đó, sự sinh hoạt hiển nhiên của những đứa trẻ nhà bên khi bữa ăn có miếng thịt kho – là cả một bầu trời ao ước.

Gia đình - Mùi vị của thịt kho tàu
Món thịt kho tàu gợi nhớ trong tôi nhiều kỷ niệm xưa. Nguồn ảnh minh họa: Internet.

Khi chúng tôi lớn hơn, cái niêu đất vẫn kiên trì không chịu vỡ. Món cá lòng tong nhà nghèo vẫn tiếp tục đeo bám tuổi thơ của cả mấy anh em. Lúc đó, anh hai nhỉnh hơn nên vào mùa lũ rút, anh theo cha đi tát đìa bắt cá cho người ta rồi kiếm tiền công.

Tôi còn nhớ như in một buổi chiều cha về, quần áo mặt mũi lem nhem bùn đất, một tay xách bao gạo “hoàn công” mà chủ đìa trả cho cả một ngày lao động, tay kia đưa lên vai giữ thăng bằng đống đồ nghề tát đìa lỉnh kỉnh. Còn anh hai lon xon chạy phía sau, đầu đội cái mũ vải rách tơi tả, mặt sạm lại nhưng miệng thì cười toe toét, bưng cái mê rách trên tay, oằn hẳn một bên hông vì sức nặng của đống củ ấu vừa “thó” được ngoài đìa và mẻ cá được người ta cho vì “thương thằng nhỏ chịu khó”.

Mẹ cười tất tưởi đón cha, hai tay nhanh nhảu đón bao gạo. Còn mẻ cá bữa đó, mẹ mang ra cầu ao rửa thiệt sạch, cho vào nồi đất, rắc thêm ít muối khan, tiêu khô rồi đem kho. Tôi bất giác nói: “Cái mùi cá kho nhà mình… nghèo quá!”. Mẹ nghe xong, mắng tôi hay đòi hỏi. Còn cha, thấy con đem cái niêu đất nhà mình so sánh với nồi thịt kho tàu nhà hàng xóm, cha chỉ im lặng rồi lôi bó dây mây trên gác bếp xuống, ngồi lụi cụi trước hiên, nức lại mấy nút chà bị bung…

Ba ngày Tết, giữa cái lạnh như cắt da cứa thịt, trong khi nhà nhà quây quần rôm rả bên những mâm cơm ê hề cá thịt thì anh em tôi ngồi bên bếp lửa, rệu rạo nhai cơm với với mấy con cá lòng tong kho mặn đến tái tê của mẹ. Mặc dù tuyệt nhiên không ai cất tiếng phàn nàn với mẹ, với cha về cái nghèo, cái khổ, thế nhưng tôi đoán, dường như ánh mắt đứa trẻ nào trong chúng tôi cũng mơ màng đến nồi thịt thơm lừng với những miếng thịt ba rọi ngả màu nâu vàng, lớp mỡ trong sóng sánh, lẫn trong đó là đám hột vịt béo tròn… Và có lẽ vì luôn nuôi dưỡng âm thầm niềm ao ước đó nên những cái Tết nghèo của anh em tôi dường như cũng trở nên “dậy vị” hơn.

Bây giờ, niềm mơ ước khi xưa của anh em tôi đã thành hiện thực. Và không chỉ là một bữa, chúng tôi có thể ăn món thịt kho tàu hàng ngày, tới “ngập chân răng”. Đặc biệt, trong mấy ngày Tết, nồi thịt kho tàu luôn sẵn sàng để lên mâm cúng và cũng là một món được chuẩn bị cho “đủ bộ” trong mâm cơm đoàn viên mỗi dịp Tết đến, xuân về. Thế nhưng không hiểu sao, càng ngày tôi lại càng cảm thấy món thịt kho này không ngon như từng tưởng tượng. Có phải vì được ăn nhiều quá, nó cũng hẳn nhiên trở thành một thức bình thường? Hay tại vì sao???

Một quá khứ quá ư thiếu thốn nhưng lại cho mấy anh em tụi tôi những ký ức vẹn nguyên, đủ đầy. Còn cuộc sống đủ đầy bây giờ chẳng mang đến cho chúng tôi ký ức gì ngoài những khoảng trống mênh mông. Nếu bây giờ, có ai hỏi thịt kho tàu tôi đang ăn có mùi vị gì, thì tôi chắc chịu. Vì hình như với tôi, vị của nó không dễ nhớ hoặc rất có thể đã bị nhạt nhòa đi. Còn không cần phải bất kỳ ai khơi gợi lại, tôi vẫn luôn cảm nhận được đầy đủ, vẹn nguyên mùi vị mặn chát đến tê đầu lưỡi của mấy con cá lòng tong kho tiêu, kho muối trong cái niêu đất nơi gian bếp khi xưa. Tôi không biết gọi tên chính xác mùi vị của nó là gì, nhưng với riêng tôi, đó thực sự là thứ mùi vị có sức ám ảnh ghê gớm, vì nó đã âm thầm đeo bám theo từng bước chân trên đường đời của đứa trẻ được sinh ra từ thế giới bùn lầy – suốt những tháng ngày qua.

Vũ Đậu

Theo: nguoiduatin.vn

Back to top button