Những kịch bản nào cho giá xăng dầu năm 2019?

Trước diễn biến bất ổn của giá xăng dầu thế giới với xu hướng tăng, Bộ Tài chính đã dự trù 3 kịch bản điều hành giá năm nay trong đó xác định giá xăng, dầu là một yếu tố quan trọng.

Tại buổi họp báo quý I/2019 chiều 5/4, nhiều câu hỏi được đặt ra với lãnh đạo Bộ Tài chính, trong đó, nổi bật là vấn đề giá xăng dầu. Cụ thể, khi được hỏi thời gian qua giá xăng dầu đồng loạt tăng, Bộ Tài chính làm gì để giữ CPI cả năm 2019 dưới 3,9% như cam kết của Chính phủ, ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết cơ quan chức năng đã tính tới 3 kịch bản chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 với các mức độ tăng giá xăng, dầu khác nhau.

Theo ông Khôi, trước diễn biến bất ổn của giá xăng dầu thế giới với xu hướng tăng, Bộ Tài chính đã dự trù các kịch bản điều hành giá năm nay trong đó xác định giá xăng, dầu là một yếu tố quan trọng.

Theo vị này, cơ quan chức năng đã tính tới 3 kịch bản với giá xăng dầu. Trong đó giả thiết thứ nhất là giá xăng, dầu bình quân thế giới tăng 5% kéo theo CPI năm 2019 có thể tăng 3,4% so với năm 2018. Với kịch bản thứ hai là giá xăng dầu thế giới tăng 10%, CPI năm 2019 sẽ tăng khoảng 3,7%. Còn với kịch bản thứ ba, nếu giá xăng, dầu thế giới tăng 15% thì CPI sẽ tăng ở mức 3,8-3,9%.

Tiêu dùng & Dư luận - Những kịch bản nào cho giá xăng dầu năm 2019?

Bộ Tài chính đã dự trù 3 kịch bản điều hành giá xăng dầu năm nay

Theo ông Khôi, 3 kịch bản trên đã được cơ quan chức năng báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá.

“Gắn với từng thời kỳ sẽ có kịch bản chi tiết, biện pháp cụ thể, làm sao giữ được ổn định CPI,” ông Khôi cho biết.

Trước đó, như đã đưa tin, kể từ 17h ngày 2/4 giá các mặt hàng xăng dầu đã đồng loạt tăng mạnh. Cụ thể, xăng E5 RON92 tăng 1.370 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 1.484 đồng/lít. Cùng với đó, dầu diesel 0,05S tăng 1.219 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.086 đồng/lít và dầu mazút 3.5S tăng 1.127 đồng/kg.

Trong 3 tháng đầu năm 2019, mặc dù giá thế giới trong xu hướng tăng nhưng Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã điều hành chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu liên tục và ở mức cao nhằm bình ổn giá cả các mặt hàng tiêu dùng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, trước thực tế này, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết họ đang lỗ 300 – 500 đồng/lít đối với xăng, trong khi giá xăng thế giới đang ở ngưỡng cao.

Với đợt tăng giá này, giá xăng dầu bán lẻ trong nước có lần tăng giá thứ 2 kể từ đầu năm, và 6 đợt giữ nguyên giá bán, xả mạnh Quỹ bình ổn.

Hiếu Nguyễn

Theo: Nguoiduatin.vn

Back to top button