“Quan lộ” của con trai ông Nguyễn Bá Thanh trước khi mất hết các chức vụ trong Đảng

Ông Nguyễn Bá Cảnh – con trai cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh từng là Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng.

Như báo điện tử Người Đưa Tin đã phản ánh, ông Nguyễn Bá Cảnh – con trai cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh vừa bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng đề nghị kỷ luật với hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng. Ông Cảnh được xác định là đã vi phạm điều 5 luật Hôn nhân và Gia đình, vi phạm Quy định 47 về những điều đảng viên không được làm.

Theo tìm hiểu của PV, tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần 16 vừa tổ chức, 45 thành viên ban Chấp hành Thành ủy Đà Nẵng có mặt đã bỏ phiếu nhằm thống nhất mức kỷ luật đối với ông Nguyễn Bá Cảnh. Kết quả sau bỏ phiếu có 43/45 phiếu hợp lệ, trong số này có 35 phiếu đồng ý với mức kỷ luật mà Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng đưa ra, có 4 phiếu đề nghị mức cảnh cáo và 4 phiếu cách chức Thành ủy viên. Kết quả này sẽ được Thành ủy Đà Nẵng tập hợp báo cáo Trung ương xem xét, quyết định kỷ luật đối với ông Bá Cảnh theo đúng thẩm quyền.

Tin nhanh - 'Quan lộ' của con trai ông Nguyễn Bá Thanh trước khi mất hết các chức vụ trong Đảng

Ông Nguyễn Bá Cảnh giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng, là 1 trong số các đại biểu HĐND thành phố này.

Ông Nguyễn Bá Cảnh, SN 1983, quê xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng. Ông Cảnh có chuyên môn, nghiệp vụ đại học chuyên ngành Kinh tế; học hàm, học vị là Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (Anh Quốc).

Năm 2011, ông Cảnh giữ chức vụ Phó Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng. Một năm sau, ông Bá Cảnh giữ chức vụ Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng.

Tháng 5/2016, ông Nguyễn Bá Cảnh trúng cử HĐND TP.Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021, tại đơn vị bầu cử số 2 (phường Hòa Thuận Đông, phường Bình Thuận, phường Phước Ninh, phường Bình Hiên, phường Nam Dương, quận Hải Châu).

Tháng 8/2017, ông Nguyễn Bá Cảnh được ban Tổ chức Thành ủy công bố quyết định điều động sang giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng.

Luật Hôn nhân và Gia đình

Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

h) Bạo lực gia đình;

i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

3. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

4. Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.

Theo: Nguoiduatin.vn

Back to top button