Quản lý hồ sơ tài xế xe ô tô bằng quy trình kết nối dữ liệu: Doanh nghiệp hồ hởi

Theo dự kiến, việc kết nối dữ liệu về bằng lái xe giữa sẽ hoàn thiện và đưa vào áp dụng từ ngày 1/6.

Sau thời gian lập tổ công tác liên ngành thực hiện rà soát các vấn đề cần phối hợp, xử lý, cục Cảnh sát giao thông (bộ Công an) đang gấp rút hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và thực hiện giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý giấy phép lái xe và dữ liệu bằng lái bị tạm giữ, tước quyền sử dụng theo quy định pháp luật.

Hệ thống dữ liệu này được liên kết, hỗ trợ giữa tổng cục Đường bộ Việt Nam (bộ Giao thông Vận tải) và cục Cảnh sát giao thông nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về an toàn giao thông.

Tin nhanh - Quản lý hồ sơ tài xế xe ô tô bằng quy trình kết nối dữ liệu: Doanh nghiệp hồ hởi

Việc quản lý cấp bằng lái sẽ được siết chặt bằng quy trình kết nối dữ liệu giữa bộ Công an và bộ GTVT. (Ảnh: Hà Nhân).

Khi đưa vào vận hành, quy trình kết nối dữ liệu này sẽ cập nhật những vi phạm của tài xế sẽ được các đơn vị Cảnh sát giao thông tổng hợp và gửi đến tổng cục Đường bộ và sở Giao thông Vận tải (GTVT) của các địa phương hàng ngày. Ở chiều ngược lại, các đơn vị thuộc bộ GTVT sẽ nhập lên hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý, tránh trường hợp nào vi phạm đã bị tước, tạm giữ bằng lái mà cố tình báo mất để làm lại, cấp mới.

Đáng chú ý, trong các nội dung được liên kết dữ liệu, tình trạng tài xế có sử dụng ma túy, chất kích thích cũng sẽ được cập nhật để các lực lượng chức năng tăng cường quản lý, giám sát.

Nắm bắt được thông tin về chính sách mới này, các doanh nghiệp vận tải tại TP.HCM tỏ ra rất phấn khởi. Ông Dương Quốc Thắng, Giám đốc công ty TNHH dịch vụ vận tải Long Phú cho biết: “Đối với hồ sơ giả, bằng lái giả mà tái xế sử dụng, chúng tôi luôn siết chặt kiểm tra để không tuyển dụng nhầm. Nhưng sự tinh vi của các giấy tờ giả này vẫn khiến nhiều chủ doanh nghiệp bị qua mặt, dù tự trang bị máy soi chiếu cũng không yên tâm”.

Còn ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc công ty TNHH vận tải Lâm Vinh nói: “Với tình hình thiếu tài xế có bằng FC (xe tải hạng nặng) như hiện nay, việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn. Chắc chắn, khi phỏng vấn tuyển dụng, các lái xe đều cố tình giấu giếm số lần vi phạm. Chủ xe cũng không đủ điều kiện để biết hết bằng thật bằng giả, đạo đức tác phong, kỹ năng lái xe của từng người. Vì vậy, việc đưa thông tin lái xe vi phạm (số lần vi phạm, số lần gây tai nạn,…) lên dữ liệu chung sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải tuyển dụng và quản lý tài xế tốt hơn”.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, đại diện hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cũng rất đồng tính với chủ trương này. Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho hay: “Hiện nay, cổng thông tin điện tử của tổng cục Đường bộ Việt Nam có cập nhật thông tin lái xe (họ tên, ngày tháng, số giấy phép, thời hạn) nhưng không cập nhật hình ảnh. Điều này dẫn đến hiện tượng nhiều lái xe sử dụng bằng lái giả để qua mặt doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều tài xế vi phạm luật Giao thông, khi bị phát hiện và xử lý thì chuyển sang công ty khác khiến các doanh nghiệp rất khó nắm bắt được quá trình hành nghề của tài xế”.

Theo số liệu của cục Cảnh sát giao thông, trong hai năm 2015, 2016 có gần 160.000 giấy phép lái xe ôtô, môtô bị tước quyền sử dụng, đã hết thời gian tước nhưng tài xế không đến nhận.

Thực tế, cảnh sát giao thông nhiều địa phương phát hiện tài xế lợi dụng việc báo mất giấy phép lái xe để làm mới, thậm chí sử dụng bằng lái giả. Một trong những nguyên nhân khiến người vi phạm không đến nhận lại bằng lái được cơ quan chức năng nêu ra là mức tiền xử phạt cao gấp nhiều lần mức lệ phí cấp lại. Thủ tục cấp lại bằng lái cũng đơn giản nên người vi phạm báo mất để xin cấp lại.

Theo: Nguoiduatin.vn

Back to top button