Sở KH&ĐT Hà Nội: Đề xuất cải tạo khu di tích chùa Hương của đại gia Xuân Trường còn chồng lấn

 

Đó là khẳng định của ông Trần Ngọc Nam, Phó giám đốc sở KH&ĐT Hà Nội cho biết tại buổi họp giao ban Thành uỷ TP.Hà Nội chiều 25/12.

Đề xuất gây tranh cãi

Mới đây, đề xuất đầu tư 15.000 tỷ xây dựng khu di tích Hương Sơn (gồm có chùa Hương) của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Trong đó nhiều ý kiến phản đối của các chuyên gia văn hoá, lịch sử và đại biểu Quốc hội. Trong khi ch  ính quyền và người dân địa phương vẫn chưa nắm được thông tin cụ thể về dự án này.

Vậy hiện tại, đề xuất của công ty xây dựng Xuân Trường về cải tạo khu di tích Hương Sơn được triển khai đến đâu?

Tại cuộc họp giao ban báo chí chiều 25/12 của Thành uỷ TP.Hà Nội, ông Trần Ngọc Nam, Phó giám đốc sở KH&ĐT Hà Nội cho biết: “Sở KH&ĐT đã nhận được đề xuất của đơn vị Xuân Trường. Đây không phải riêng đề án duy nhất của khu vực Hương Sơn, trong đó đề nghị quy hoạch hơn 1000ha của Xuân Trường thì có gần 400ha chồng lấn với dự án khác”.

Văn hoá - Sở KH&ĐT Hà Nội: Đề xuất cải tạo khu di tích chùa Hương của đại gia Xuân Trường còn chồng lấn
Ông Trần Ngọc Nam, Phó giám đốc sở KH&ĐT Hà Nội phát biểu.

Cũng theo ông Nam: “Doanh nghiệp Xuân Trường cũng nói mục đích thu lợi chỉ là một phần, còn mục tiêu chính là giúp Hà Nội có một cảnh quan đẹp, có thể tạo thành di sản văn hoá Thế giới trong vài năm tới. Tuy nhiên, vấn đề này họ nói hơi quá vì để trở thành di sản văn hoá Thế giới không đơn giản như vậy”.

“UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu sở KH&ĐT họp lại với nhà đầu tư, để đầu tư khu du lịch tâm linh tôn lên vẻ đẹp của huyện Mỹ Đức. Còn cụ thể kế hoạch thì các bộ ban ngành vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, nên vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về dự án này”, ông Nam nhấn mạnh.

Ai là người được hưởng lợi?

Trước đó, trả lời PV báo Người Đưa Tin, bà Kim Thúy (Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng) bày tỏ: “Nếu theo như văn bản đề xuất xây dựng, nhà nước sẽ giải phóng mặt bằng, còn doanh nghiệp chỉ bỏ tiền ra để xây dựng khu tâm linh, khai thác khách du lịch rồi thu. Vậy, nhiều câu hỏi được đặt ra, xây dựng khu du lịch tâm linh này vì lợi ích của ai? Ai là người được hưởng lợi?

Thêm nữa, ngân sách nhà nước hạn hẹp, đầu tư cho các lĩnh vực khác then chốt chứ không phải đầu tư cho riêng một lĩnh vực này. Thêm một vấn đề tôi băn khoăn là không công khai minh bạch, không đúng với Điều 26 Luật Đấu thầu, theo đó Điều 26 Luật Đấu thầu quy định những dự án đặc biệt, riêng biệt mới được chỉ định thầu”.

“Qua theo dõi tôi thấy hoạt động của doanh nghiệp Xuân Trường có rất nhiều dự án… Khu du lịch tâm linh Hương Sơn tôi khẳng định không có trong quy hoạch các khu du lịch Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (quyết định 201 ngày 22/1/2013)”, bà Kim Thúy nhấn mạnh.

Văn hoá - Sở KH&ĐT Hà Nội: Đề xuất cải tạo khu di tích chùa Hương của đại gia Xuân Trường còn chồng lấn (Hình 2).
Đề xuất cải tạo khu di tích Hương Sơn nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Liên quan đến việc đầu tư, xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn, bà Kim Thúy trăn trở: “Dự án này, theo các giấy tờ liên quan công bố tôi chưa nhìn thấy việc đánh giá tác động môi trường một cách chi tiết, cẩn thận… Trong đó, doanh nghiệp Xuân Trường có đề nghị nạo vét suối Yến, nhưng tôi sợ rằng sẽ đội vốn.

Việc lập đồ án cũng cần cân nhắc, xem kỹ tổng số vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ nhưng nhà nước làm mặt bằng đã hết khoảng 14.000 tỷ đồng, rõ ràng doanh nghiệp có dùng tiền túi của mình để làm không? Ai hưởng lợi? Có hay không lợi ích nhóm? Còn nữa, việc xây dựng khu du lịch tâm linh này có nên, có bức thiết không?”.

Vì vậy, nói về lý do bản thân mình gửi văn bản đến Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Kim Thúy cho biết: “Trước hết, tôi lo lắng về việc ngân sách nhà nước sử dụng không đúng. Tuy không phải chuyên gia nhưng đọc bài phân tích của các chuyên gia khác thì tôi nghĩ việc xây dựng khu du lịch tâm linh này sẽ ảnh hưởng rất nhiều.

Bởi, chùa Hương có từ ngàn xưa, khi xây dựng không khéo phá vỡ quy hoạch chứ chưa nói các mặt khác… Đồng thời, tôi cũng quan tâm tới tính hợp lý, hợp pháp. Hợp pháp trước hết phải hợp lý, vì hợp lý luôn tồn tại khách quan. Việc tôi làm văn bản gửi sớm cho Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư là muốn Bộ trưởng có câu trả lời càng sớm càng tốt. Bởi, tôi lo sợ dự án này sẽ lặp lại kịch bản các dự án trước”.

Chia sẻ thêm về việc phát triển du lịch tâm linh, ĐBQH Kim Thúy cho biết: “Theo tôi, những khu về tâm linh thì không nên thương mại hóa quá nhiều. Biết rằng, phát triển du lịch là theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước nhưng không nên “núp bóng” thương mại, kinh doanh”.

 

Theo: Nguoiduatin.vn

Back to top button