Tài xế nghiện ma túy gây tai nạn, chủ doanh nghiệp “kêu oan”

Sau 1 tuần trì hoãn, hội nghị của hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM với các ban ngành vẫn “nóng” câu chuyện tài xế sử dụng ma túy gây tai nạn nghiêm trọng.

Chiều tối 22/3, hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đã tổ chức báo cáo tổng kết 2018 và đối thoại với sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp hội viên.

Tại buổi gặp gỡ, ngoài vấn đề quản lý Giấy phép lái xe, bãi giữ xe container, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ “oan ức” trước đề xuất xử lý chủ xe khi tài xế sử dụng ma túy, gây tai nạn nghiêm trọng trong thời gian qua.

Tin nhanh - Tài xế nghiện ma túy gây tai nạn, chủ doanh nghiệp “kêu oan”

Các doanh nghiệp khẳng định đã cố gắng làm hết trách nhiệm quản lý tài xế. (Ảnh: Hà Nhân).

“Ngay cả việc xét nghiệm kiểm tra của cơ quan chức năng cũng còn lỗ hổng. Nếu chúng ta chỉ xét nghiệm nước tiểu thì khi các tài xế tự lấy nước tiểu, họ đã có thể đánh tráo mẫu. Tôi đề nghị chuyển sang xét nghiệm máu để tăng cường khách quan, chính xác”, ông Vinh nói thêm.

Một doanh nghiệp khác cũng bày tỏ: “Bây giờ, các tài xế nghiện ngập có khi không ốm yếu như lúc trước mà lại mập lên, nhìn bề ngoài rất khỏe mạnh”.

Chính vì thế, nhiều ý kiến của chủ doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của các bên khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng mà tài xế có sử dụng ma túy.

Phát biểu tại buổi trao đổi, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết: “Đứng về phía chủ doanh nghiệp, mỗi xe hàng của chúng tôi trị giá từ 1 – 2 tỷ đồng. Cộng thêm số hàng hóa ước tính tổng cộng hơn 30 tỷ đồng thì chúng tôi không dại gì thuê những tài xế nghiện ma túy, sử dụng chất kích thích để lái xe. Vì thế, đề xuất xử lý trách nhiệm hình sự chủ xe trong trường hợp này là không hợp lý”.

“Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phân định rõ, trách nhiệm của lái xe khi sử dụng ma túy và gây hậu quả, gây tai nạn là vô hạn. Họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Còn doanh nghiệp vận tải hàng hóa TP.HCM vẫn luôn chấp hành tốt các quy định trong việc quản lý tài xế”, ông Bùi Văn Quản nói.

Cũng theo đại diện Hiệp hội này, trong năm 2018, tình hình kinh doanh vận tải hàng hóa tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã mua sắm thêm phương tiện, tăng thêm năng lực cạnh tranh khiến thị trường trở nên gay gắt hơn.

Việc cạnh tranh đang diễn ra dưới nhiều hình thức, đáng chú ý nhất là “chở quá tải”. Ngoài ra, tình trạng giá nhiên liệu biến động, phí BOT cầu đường và phí bảo trì đường bộ tăng cao, thiếu tài xế hạng FC,…cũng khiến bức tranh chung của thị trường trở nên phức tạp.

Trước các ý kiến của doanh nghiệp vận tải hàng hóa TP.HCM, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc điều hành sở GTVT TP.HCM chỉ đạo: “TP.HCM luôn ý thức và trân trọng sự đóng góp của các doanh nghiệp vận tải, giúp việc lưu thông hàng hóa trở nên thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh thương mại của địa phương. Tuy nhiên, việc kinh doanh phát triển cũng kéo theo các vấn đề phức tạp”.

Chính vì thế, vị Phó Giám đốc điều hành sở GTVT TP đã yêu cầu các lực lượng phòng ban, đặc biệt là Thanh tra Giao thông có biện pháp quyết liệt, giám sát minh bạch và hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải hàng hóa.

Theo đó, Thanh tra Giao thông (sở GTVT TP) đã xử lý 2.028 vụ việc vi phạm chở hàng hóa quá tải trọng, quá khổ cho phép với số tiền phạt hơn 32 tỷ đồng trong năm 2018. Cơ quan này cũng tổ chức 23 cuộc thanh tra đối với các doanh nghiệp trong năm qua (20 cuộc theo kế hoạch và 3 cuộc đột xuất theo chỉ đạo của sở GTVT TP.HCM).

Từ đó, cơ quan chức năng yêu cầu các doanh nghiệp tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác khám sức khỏe, ký hợp đồng lao động với tài xế. Bên cạnh đó, việc cập nhật thông tin vào Hồ sơ lý lịch phương tiện, quản lý thiết bị giám sát hành trình, lưu trữ hồ sơ, tài liệu có liên quan,…cũng cần được siết chặt hơn nữa.

Theo: nguoiduatin.vn

Back to top button