Tâm lý bạo lực ở học sinh: “Đói” giáo dục đạo đức từ gia đình, học đường

Những ngày qua, liên tiếp xuất hiện những hành vi biểu hiện bạo lực ở học sinh, như vụ nữ sinh đánh bạn tập thể, học sinh lớp 5 đâm bạn bằng dao bấm, nam sinh đâm người đi đường tử vong vì bị nhắc nhở khi vượt đèn đỏ… khiến dư luận cảm thấy xót xa, lo lắng cho thế hệ tương lai.

“Đói” giáo dục đạo đức từ gia đình

Trước những hiện tượng trên, TS. Phạm Văn Tư, Trưởng bộ môn Cơ sở công tác xã hội, trường đại học Sư phạm Hà Nội nhận định: “Biểu hiện bạo lực ở học sinh hiện nay xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Trước hết, từ bản thân mỗi học sinh có đặc điểm tính chất hệ thần kinh khác nhau, nhiều học sinh có khả năng kiềm chế trước các tình huống xảy ra trong cuộc sống kém, dẫn đến xử lý các tình huống trong cuộc sống bằng bạo lực.

Có thể đối với cùng một sự việc, khi các học sinh khác không phản ứng nhưng học sinh đó lại phản ứng thái quá. Đó là do đặc điểm tâm sinh lý theo độ tuổi, muốn khẳng định bản thân mình trước người khác, muốn thể hiện mình theo cách thức của người lớn, sử dụng bạo lực để thể hiện bản lĩnh, thậm chí thể hiện mình có tố chất để thu hút người khác. Dùng bạo lực uy hiếp người yếu thế hơn”.

Yếu tố thứ hai, cũng là yếu tố quan trọng nhất, theo TS. Phạm Văn Tư, đó là “đói” giáo dục đạo đức từ gia đình: “Hầu hết những học sinh có biểu hiện bạo lực thường là những học sinh sống trong gia đình không có nền tảng giáo dục tốt. Rất nhiều phụ huynh trước khi kết hôn không được học cách để trở thành cha mẹ tốt, không có phương pháp giáo dục con tốt, nên cách nhanh nhất để họ đạt mục tiêu giáo dục của mình bằng cách sử dụng bạo lực đối với con”.

Cụ thể, ông phân tích: “Khi một đứa trẻ sống trong một gia đình sử dụng bạo lực, có thể là bố bạo lực đối với mẹ, khiến mẹ sợ, phải phục tùng. Đứa trẻ khi ra xã hội sẽ học cách đó để xử sự, bởi vì trong gia đình, đứa trẻ chính là “tấm gương phản chiếu” rõ ràng nhất của bố mẹ. Hoặc những đứa trẻ bị bố mẹ trực tiếp sử dụng bạo lực, là đứa trẻ không bao giờ dám “bật lại” bố mẹ, nhưng khi ra ngoài môi trường bên ngoài, gặp những tình huống hoặc những người cảm giác yếu hơn, chúng sẽ bộc lộ hết những gì dồn nén tiêu cực trong cuộc sống gia đình. Chính gia đình là nguồn cơn gây ra biểu hiện bạo lực ở học sinh.

Giáo dục - Tâm lý bạo lực ở học sinh: “Đói” giáo dục đạo đức từ gia đình, học đường

TS. Phạm Văn Tư khẳng định nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực ở học sinh là do “đói giáo dục” ở gia đình.

Nhiều gia đình mải mê làm ăn, khó khăn trong việc tương tác với con, dẫn đến không hiểu, không đánh thức được những cảm xúc tích cực của con mà vô tình chỉ đánh thức những cảm xúc tiêu cực, dẫn đến chúng mang ra xã hội để xả bỏ. Ví dụ, ngay trong một gia đình có nhiều con, có sự đối xử thiên vị, so sánh giữa các con, cũng có thê gây bức xúc, hình thành suy nghĩ và hành vi bạo lực ở đứa trẻ”.

Đồng tình với nhận định trên, TS. Vũ Thu Hương, giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội cũng đề cập chính gia đình là yếu tố “làm hư con mình”: “Trước hết, vấn đề giáo dục đạo đức của Việt Nam ngày càng đi xuống, cả trong gia đình lẫn nhà trường. Ở gia đình, phụ huynh hiện nay luôn luôn bao biện, với câu cửa miệng: “còn nhỏ không biết gì”. Câu nói đó được nói từ lúc đứa trẻ 0 tuổi đến tận 18 tuổi, và nhiều người cho đó là cách bảo vệ con.

Người Việt Nam hay nghĩ rằng: “Không biết, không có tội”, nhưng thực sự, trong thế giới thông tin này, không biết chính là có tội.

Trẻ em hiện nay có rất nhiều những hành vi biểu hiện bạo lực, một đứa trẻ dễ nổi nóng, cướp giật đồ ăn,… chính là do bố mẹ đều đang coi nhẹ các vấn đề đạo đức. Từ gia đình, nhà trường và xã hội đều đang rất coi thường các tiêu chuẩn đạo đức, những điều đó vô tình kích động hung tính ở học sinh”.

“Bên cạnh đó, nguyên nhân từ việc không tôn trọng trẻ cũng khiến chúng muốn khẳng định bản thân, thể hiện bản thân, biểu hiện bằng những hành vi bạo lực. Như vụ học sinh đâm người khác khi bị nhắc vượt đèn đỏ, là do suy nghĩ “người lớn vượt đèn đỏ được, tại sao mình không được vượt đèn đỏ?”, bà nhấn mạnh.

Nhà trường xem nhẹ trách nhiệm giáo dục

TS. Vũ Thu Hương cũng phân tích thêm một số nguyên nhân dẫn đến việc mất cân bằng tâm lý và biểu hiện bạo lực: “Ở trong nhà trường, hầu hết các thầy cô chỉ quan tâm đến việc dạy chữ. Tôi mới đọc một bài báo có tựa đề: “Học sinh đánh nhau: lỗi của trò tại sao phạt thầy?”, trong đó, tác giả phân tích người giáo viên chủ nhiệm không phải chịu trách nhiệm với vấn đề đạo đức của giới trẻ.

Ngay từ suy nghĩ như vậy, cho thấy sự vô trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Rõ ràng, điều đó thể hiện rằng, bản thân người giáo viên không coi việc giáo dục đạo đức cho học sinh là nhiệm vụ của họ, mà nghĩ đó chỉ là nhiệm vụ của gia đình: gia đình phải uốn nắn học sinh, gia đình phải dạy dỗ…

Chính vì vậy, khi xuất hiện một sự cố xảy ra tại lớp, họ chỉ xử lý sự vụ, không nhân cơ hội đó để giáo dục đạo đức ngược lại cho học sinh, điều này hoàn toàn khác với cách giáo dục học sinh ngày xưa”.

Cụ thể, bà giải thích: “Trước đây, trong trường học, mỗi lần có vụ vi phạm nào đó, nhà trường sẽ xử lý vi phạm và có giá trị răn đe phù hợp với lỗi của học sinh. Khi nghe các thầy cô phân tích, học sinh hiểu ra đó là hành vi xấu, tồi tệ, và đối với những học sinh đang có ý định phạm lỗi sẽ biết được mình sẽ phải bị phạt ra sao, biết để tránh mắc lỗi. Những việc đó dần dần giữ học sinh trong một khuôn khổ, điều chỉnh những hành vi phù hợp với nội quy của nhà trường và pháp luật.

Hiện nay, học sinh ra đường, liên tục nói tục, chửi bậy, có nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Phân tích theo khía cạnh nhà trường, điều đó xuất phát từ việc không coi giáo dục đạo đức là nhiệm vụ của mình.

Thậm chí, cách đây vài năm, nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã từng nói rằng: “Cứ học sinh giỏi là đạo đức tốt”. Đó là một suy nghĩ rất kỳ lạ, cho rằng kiến thức là quan trọng, đạo đức không quan trọng, dẫn đến hậu quả, co ngắn các tiết học đạo đức trong chương trình học. Những vụ việc xảy ra trong nhà trường vẫn nhiều hạnh kiểm khá, hạnh kiểm tốt như thường, trước đây, chúng tôi muốn đạt hạnh kiểm tốt phải giữ mình trong một phạm vi”.

Giáo dục - Tâm lý bạo lực ở học sinh: “Đói” giáo dục đạo đức từ gia đình, học đường (Hình 2).

TS. Vũ Thu Hương cho rằng, nhà trường cũng đang quá xem nhẹ giáo dục đạo đức cho học sinh.

 

Theo TS. Phạm Văn Tư, về phía nhà trường cũng là một nơi “vô tình ươm mầm bạo lực”: “Về cơ bản, nhà trường cũng mong muốn mang đến sự giáo dục tốt, yêu thương học trò. Tuy nhiên, áp lực về bệnh thành tích trong giáo dục, dẫn đến nhiều thầy cô bị căng thẳng, thường tập trung quá nhiều vào giáo dục tri thức, không đồng hành cùng học sinh.

Một số giáo viên do phương pháp đào tạo ở các trường sư phạm tập trung vào chuyên môn quá, những kiến thức về cách đồng hành với trẻ, thấu hiểu và bảo vệ trẻ còn chưa được đào tạo tốt, dẫn đến một số giáo viên cũng có sự đối xử thiếu công bằng đối với học sinh cùng lớp, những học sinh không được bênh vực thường có suy nghĩ tiêu cực, có thể biểu hiện bạo lực”.

Trưởng bộ môn Cơ sở công tác xã hội cũng cho rằng: “Hoạt động tham vấn, tư vấn tâm lý học đường, công tác xã hội trường học vẫn còn mới, có những phòng hỗ trợ tư vấn tâm lý học đường, nhưng bản thân những giáo viên kiêm nhiệm lại không phải người được đào tạo chuyên sâu về tâm lý, dẫn đến “bình mới rượu cũ”, họ chỉ được đi bồi dưỡng ngắn hạn, giúp đỡ học sinh, gia đình học sinh phải được đào tạo chuyên nghiệp, không phải chỉ tập huấn vài tháng, có chứng chỉ là được.

Trên nhiều quốc gia đã rất thành công trong việc áp dụng vai trò của công tác xã hội trong trường học, đặc biệt trong việc xử lý bạo lực học đường, trực tiếp xử lý chuyên nghiệp hơn.

Luật pháp để đưa được vào học đường, vào cuộc sống cũng chưa thực sự được tuyên truyền tốt”.

Mạng xã hội hàm chứa nhiều nội dung bạo lực

TS. Phạm Văn Tư khẳng định: “Môi trường xã hội cũng là một môi trường giáo dục nhưng không thuần nhất, trong đó chứa đựng rất nhiều yếu tố có thể gây ra bạo lực. Từ phim ảnh đến truyền thông, báo chí đều hàm chứa nội dung cổ súy bạo lực. Ví dụ, Người phán xử, Quỳnh búp bê là phim truyền hình chiếu trên ti vi, cấm trẻ em nhưng không thể cấm triệt để. Người lớn xem có thể lọc được thông tin, nhưng với lứa tuổi học sinh thì rất khó. Nhân vật “Cảnh giang hồ” trong phim Quỳnh búp bê có thể được rất nhiều học sinh ngưỡng mộ.

Chưa kể, những như hiện tượng Khá Bảnh, xăm trổ, có những hành vi không đẹp, clip nội dung bạo lựuclại lan truyền thông tin rầm rộ trên mạng xã hội, nhiều người ngưỡng mộ. Đây là sự lệch lạc về mặt định hướng nhận thức cho giới trẻ.

Ngay cả báo chí cũng có thể hàm chứa những yếu tố bạo lực, ví dụ vụ việc nữ sinh giao gà ở Điện Biên gặp nạn, đưa rầm rộ, cũng có thể tác động tạo suy nghĩ bạo lực. Một số lễ hội truyền thống không được tổ chức cẩn thận cũng gây ra tư tưởng bạo lực, như lễ hội chém lợn, đâm trâu… Các nhà khoa học đã chứng minh, có mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa hành vi bạo lực đối với động vật và hành vi bạo lực ở giới trẻ”, ông giải thích.

Thêm một yếu tố nữa ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, theo ông, chính là việc “chọn bạn mà chơi”: “Đa số học sinh chưa biết lựa chọn bạn. Thường những đứa trẻ có nền tảng giáo dục không tốt từ gia đình lại thích lựa chọn những bạn nghịch ngợm, vì có cảm giác thú vị hơn, thoải mái hơn, những người bạn “chưa tốt”, có hành vi lệch chuẩn lại thường có nhiều chiêu trò tạo sự hấp dẫn hơn.

Nhiều bạn ban đầu không có suy nghĩ bạo lực, nhưng chơi cùng một nhóm bạn, “a dua” theo, thể hiện “quyền uy”, nảy sinh hành vi bạo lực đối với người khác”.

Theo: Nguoiduatin.vn

Back to top button