Thêm 3 đối tượng bị truy nã của “Tập đoàn Nam Long” sa lưới

3 đối tượng sa lưới trước đó bị cơ quan Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa truy nã do liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng tại “Tập đoàn Nam Long”.

VOV dẫn nguồn tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, cơ quan Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa bắt giữ thêm 3 đối tượng gồm: Ngô Quang Đông (SN 1971), trú tại Đồ Sơn, Hải Phòng; Phạm Đức Duy (SN 1981), trú tại Tân Thành, Dương Kinh, Hải Phòng; Trần Quang Trung (SN 1988), trú tại Quảng Ninh.

Các đối tượng này bị Cơ quan Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa truy nã do liên quan đến cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự của “Tập đoàn Nam Long”.

Thông tin trên báo Dân Trí, trước đó ít ngày, lực lượng Cảnh sát Hình sự Công an Thanh Hóa cũng đã bắt giữ 4 thành viên trong “Tập đoàn Nam Long”, gồm: Đặng Việt Hà (SN 1988), trú tại Tân Thành, Kinh Dương, Hải Phòng; Đào Anh Tài (SN 1991), trú tại phường 24, quận Bình Thạnh, TP.HCM; Nguyễn Văn Lữ (SN 1993), trú tại phường Đông Hải, quận Hải An, Hải Phòng và Mai Quang Anh (SN 1997), trú tại Đại Bản, An Dương, Hải Phòng.

An ninh - Hình sự - Thêm 3 đối tượng bị truy nã của “Tập đoàn Nam Long” sa lưới

Các đối tượng Phạm Đức Duy; Ngô Quang Đông; Trần Quang Trung (từ trái sang phải).

Những đối tượng này cũng bị cơ quan Cảnh sát Hình sự Công an Thanh Hóa truy nã do liên quan đến tổ chức chuyên cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự của “Tập đoàn Nam Long”.

Như báo Người Đưa Tin đưa tin trước đó, cuối năm 2017, Nguyễn Đức Thành (SN 1988), trú ở phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM và Nguyễn Cao Thắng (SN 1984), trú tại phường 15, quận 1, TP.HCM cùng nhau thành lập ra công ty tài chính Nam Long.

“Tập đoàn” này thực hiện chế độ trả lương rất cao, bắt nhân viên đặt cọc tới hàng trăm triệu đồng vào công ty để giữ chân và ràng buộc. Tổ chức tội phạm này còn soạn ra cả giáo trình đòi nợ.

Với vỏ bọc “tập đoàn” Nam Long, các đối tượng cầm đầu đã đánh lừa dân là công ty có hợp tác với một ngân hàng để cho vay. Trên thực tế, tập đoàn này không hề tồn tại mà ký hợp đồng là một công ty khác. Lãi suất vay là 360%/năm. Khi người dân đã đồng ý vay thì các đối tượng còn đưa ra các khoản thu trong hợp đồng và luôn có cách để khống chế nạn nhân.

Từ lúc thành lập đến khi bị công an triệt phá, tổ chức tội phạm này có 26 chi nhánh phụ trách 63 tỉnh thành trên cả nước. Mỗi chi nhánh phụ trách 2 – 5 tỉnh, do một người làm quản lý. Tính đến thời điểm này, có khoảng 200 bị hại đã chuyển tiền vào trên 30 tài khoản của tổ chức tội phạm, với số tiền trên 510 tỷ đồng.

Hiện Công an Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với các cục Cảnh sát Hình sự, các cục nghiệp vụ – Bộ Công an, công an các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục điều tra, xử lý vụ án.

Mộc Miên (Tổng hợp)

 

Theo: Nguoiduatin.vn

Back to top button