Thí sinh “chạy điểm” năm 2018 có được đăng ký thi THPT Quốc gia 2019?

Sau những công bố mới nhất của cơ quan điều tra về vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia khiến dư luận xôn xao, liệu những thí sinh được phụ huynh “chạy điểm” có được đăng ký dự thi năm 2019 hay bị tước quyền vài năm để tăng tính răn đe?

Thực hiện chỉ đạo của bộ GD&ĐT về thực hiện Quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT; Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy áp dụng cho năm 2018; các sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, Sơn La, cục Đào tạo – bộ Công an, cục Nhà trường – bộ Quốc phòng và các cơ sở giáo dục đại học đã và đang nghiêm túc xử lý các thí sinh liên quan theo các Quy chế nói trên.

Trước vấn đề các thí sinh liên quan đến vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 có thể được đăng ký dự thi kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 hay không?, bộ GD&ĐT đã có ý kiến như sau:

Việc xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi năm 2018 được quy định ở Điều 49 trong Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT áp dụng cho năm 2018.

Hiện nay, các sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 ở Sơn La, Hòa Bình vẫn đang trong quá trình tiếp tục điều tra, hoàn thiện, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Căn cứ kết quả điều tra của cơ quan điều tra, các cá nhân, tổ chức liên quan sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và Quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT áp dụng cho năm 2018.

Giáo dục - Thí sinh 'chạy điểm' năm 2018 có được đăng ký thi THPT Quốc gia 2019?

Các thí sinh liên quan vụ gian lận thi cử năm 2018 vẫn được đăng ký dự thi và xét tuyển năm 2019. (Ảnh minh họa).

Tại thời điểm này, kết quả chấm thẩm định đối với các thí sinh liên quan là kết quả chính thức của Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018; được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018.

Với thực trạng như vậy, trả về điểm gốc cho thí sinh là cách xử lý phù hợp, đúng quy chế, bởi vậy, cũng chưa có cơ sở để cấm thí sinh dự thi năm tiếp theo, thí sinh vẫn có quyền đăng ký dự thi và xét tuyển trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Tuy nhiên, nếu kết quả điều tra xác định được thí sinh nào sai phạm thì sẽ bị các cơ quan chức năng xử lý ở mức độ phù hợp theo quy định của pháp luật.

Từ năm 2018 đến nay, trong quy chế thi THPT Quốc gia không còn quy định việc tước quyền dự thi của thí sinh trong 2 năm đối với một số trường hợp vi phạm đặc biệt.

Mục 6 điều 49 quy chế thi THPT Quốc gia áp dụng từ năm 2018 (và cũng sẽ áp dụng cho năm 2019) là “Hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật” đối với thí sinh vi phạm một trong các lỗi: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; Để người khác dự thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; Có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi, hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác; Sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp”.

Ngoài ra, đối với các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì các cơ quan quản lý giáo dục lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Đối với các trường hợp vi phạm khác, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ xử lý kỷ luật theo các hình thức đã quy định của quy chế.

Theo: Nguoiduatin.vn

Back to top button