TP.Đà Nẵng lấy sân Chi Lăng: Thương vụ ngàn tỷ đang rơi vào bế tắc

Tham vọng “chuộc” lại sân Chi Lăng của TP.Đà Nẵng đang ngày một trở nên khó khăn, bế tắc. Ngoài vấn đề pháp lý, thì các bên liên quan cũng không có tiếng nói chung với nhau.

Cái “lắc đầu” của ngân hàng!

Mới đây, một cuộc họp giữa các bên liên quan đến vụ sân Chi Lăng, TP.Đà Nẵng đã diễn ra. Theo nguồn tin của PV báo điện tử Người Đưa Tin, sự việc ngày càng phức tạp trước những ý kiến trái chiều giữa các đơn vị.

Cụ thể, UBND TP.Đà Nẵng xin được mua lại toàn bộ diện tích sân Chi Lăng mà chính quyền trước đây đã bán cho tập đoàn Thiên Thanh. TP.Đà Nẵng đã nhận ra và khẳng định muốn sửa sai phạm trong quản lý Nhà nước về đất đai tại khu vực này.

Tuy nhiên, do hiện sân Chi Lăng đã trở thành tang vật của vụ án và phần tài sản này cũng đang được thi hành án trong bản án có hiệu lực pháp luật, nên mọi chuyện đã vượt quá xa tầm tay TP.Đà Nẵng.

UBND TP.Đà Nẵng cũng nhận định những vướng mắc trong việc thi hành án liên quan đến quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây lãng phí nguồn lực của thành phố, ảnh hưởng tới quyền lợi của người sử dụng đất, người được thi hành án.

Bất động sản - TP.Đà Nẵng lấy sân Chi Lăng: Thương vụ ngàn tỷ đang rơi vào bế tắc

“Chuộc” sân Chi Lăng chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với TP.Đà Nẵng.

Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng Xây dựng Việt Nam, ngân hàng Agribank và ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng (những đơn vị mà tập đoàn Thiên Thanh thế chấp các lô đất ở sân Chi Lăng -PV) lại không đồng ý với đề xuất của UBND TP.Đà Nẵng.

Lý do được đại diện các ngân hàng đưa ra là, nếu nhượng lại sân vận động Chi Lăng cho địa phương thì quyền lợi của các cổ đông bị ảnh hưởng. Trong khi đó, người đại diện cho tập đoàn Thiên Thanh tại buổi làm việc cũng bày tỏ rằng, doanh nghiệp này vẫn muốn triển khai dự án trên khu đất sân Chi Lăng như cũ.

Trả lời PV, ông Lâm Hồng Anh, Phó Cục trưởng cục Thi hành án dân sự TP.Đà Nẵng cho biết, do chưa có sự thống nhất của các bên liên quan nên số phận sân Chi Lăng vẫn chưa được giải quyết. Sau buổi làm việc, cục Thi hành án dân sự TP.Đà Nẵng đang củng cố tài liệu, báo cáo cấp trên về những vấn đề liên quan đến thi hành án đối với tài sản trong vụ việc.

Như vậy, dường như những nỗ lực của UBND TP.Đà Nẵng từ trước đến nay trong thương vụ “xin chuộc” lại sân Chi Lăng chưa đạt được kết quả như ý, chưa nói chuyện sự việc đang dần diễn biến theo chiều hướng bế tắc cho địa phương. Một số chuyên gia pháp lý ở TP.Đà Nẵng chia sẻ, việc TP.Đà Nẵng “lấy” lại sân Chi Lăng là điều rất khó.

Nhiều vấn đề pháp lý!

Luật sư Lê Cao, đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng nhận định, kết quả buổi làm việc giữa các bên liên quan đến sân Chi Lăng là điều mà nhiều người có thể dự đoán được.

“Ngân hàng sẽ không hy sinh quyền lợi của họ, của các cổ đông. Các khoản tiền cho vay của ngân hàng là nguồn vốn được huy động từ dân chúng, nguồn tiền từ các cổ đông. Do đó, khi bên đi vay mắc nợ không trả được thì ngân hàng yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để thu hồi vốn là chính đáng… Nếu có một giải pháp nào đó để ngân hàng vẫn thu hồi tiền nợ vay thì tôi nghĩ câu chuyện thỏa thuận để Đà Nẵng giữ lại được sân Chi Lăng mới khả quan, nếu không sẽ rất khó”, ông Cao nhận định.

Bất động sản - TP.Đà Nẵng lấy sân Chi Lăng: Thương vụ ngàn tỷ đang rơi vào bế tắc (Hình 2).

Sân Chi Lăng gắn liền với tên tuổi đội bóng sông Hàn Đà Nẵng. Ngoài thể thao, sân vận động này còn là địa điểm văn hóa – lịch sử.

Luật sư Trần Hùng, đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng chia sẻ thêm rằng, cách TP.Đà Nẵng “chuộc” lại sân Chi Lăng là trả lại số tiền sử dụng đất và các khoản tài chính khác có liên quan mà tập đoàn Thiên Thanh đã thực nộp vào ngân sách. Tức tài sản của ai thì về nhà đó, các bên nhận của nhau những gì thì hoàn trả cho nhau những thứ đã giao.

Tuy nhiên, theo luật sư Hùng, sự việc đã phát sinh thêm bên thứ 3 là ngân hàng. Tài sản là sân Chi Lăng đã được tập đoàn Thiên Thanh thế chấp để vay vốn tại các ngân hàng. Vậy nên cần phải xét tới hoàn cảnh, thời điểm mà các bên đã thực hiện giao dịch để có phương án xử lý là phù hợp.

Nhìn rộng ra, quan hệ giữa TP.Đà Nẵng với tập đoàn Thiên Thanh là quan hệ mua bán, chuyển nhượng tài sản. Còn quan hệ giữa tập đoàn Thiên Thanh với ngân hàng là quan hệ vay vốn, tín dụng. Mỗi quan hệ khi muốn xử lý thì cần có một quyết định, hoặc bản án của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực thì mới xử lý được.

“Ở đây, dù thanh tra chỉ ra việc cấp quyền sử dụng đất tại sân Chi Lăng là chưa đúng, nhưng chưa có một quyết định hợp pháp hay bản án nào tước đi quyền sử dụng, sở hữu tài sản của Thiên Thanh thì việc tập đoàn này thế chấp ở ngân hàng là không sai. Tài sản đã được tòa án xác nhận là hợp pháp và đang được thi hành án buộc các bên phải thi hành theo quy định của pháp luật”, ông Hùng phân tích thêm.

Như báo điện tử Người Đưa Tin đã phản ánh, giai đoạn 2010-2011, UBND TP.Đà Nẵng bán sân vận động Chi Lăng cho tập đoàn Thiên Thanh với giá khoảng 1.400 tỷ đồng. Sau đó, tập đoàn Thiên Thanh, đã “phân lô” sân Chi Lăng thành 14 lô đất và được UBND TP.Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận. Số tài sản này đã được Thiên Thanh thế chấp ở ngân hàng.

Ngày 29/7/2014, ông Phạm Công Danh bị cơ quan bộ Công an bắt tạm giam điều tra. Dự án sân vận động Chi Lăng nằm trong những nội dung sai phạm Phạm Công Danh và đồng bọn nên bị cơ quan chức năng phong tỏa tài sản.

Từ năm 2017, UBND TP.Đà Nẵng thể hiện rõ quyết tâm “chuộc” lại sân Chi Lăng. Trong một văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng viện KSND tối cao và bộ Tư pháp…, UBND TP.Đà Nẵng cho hay, qua rà soát đã nhận thấy những vi phạm trong quản lý Nhà nước về đầu tư, đất đai, xây dựng… đối với dự án khu phức hợp sân vận động Chi Lăng.

Tuy nhiên, do đây là tài sản thi hành án theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án, nên không thể thực hiện thu hồi lại khu đất này để khắc phục những sai phạm.

UBND TP.Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng cho phép chính quyền Đà Nẵng được giữ lại toàn bộ diện tích đất tại sân Chi Lăng thông qua thi hành án bằng cách tự nguyện, thỏa thuận với các bên được thi hành án.

Theo đó, TP.Đà Nẵng sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách khi được giao khu đất nói trên, để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của người sử dụng đất có đất đang bị thế chấp. Số tiền sử dụng đất TP.Đà Nẵng thực tế thu nộp ngân sách khi giao quyền sử dụng đất là 1.251 tỷ đồng.

Ngoài ra, hiện nay ngân hàng Agribank cùng với ngân hàng Xây dựng Việt Nam đều là dạng ngân hàng 100% vốn nhà nước. Do đó, TP.Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét kiến nghị của UBND TP.Đà Nẵng để cho phép TP được thỏa thuận với các ngân hàng, nhằm thực hiện thay nghĩa vụ thi hành án của người sử dụng đất, đồng thời thu hồi lại các khu đất tại sân Chi Lăng.

VIDEO: Sân vận động Chi Lăng, TP.Đà Nẵng.

Theo: nguoiduatin.vn

Back to top button