Vụ hàng loạt cây gạo hơn 30 năm tuổi bị đốn hạ: Chia sẻ bất ngờ của người trong cuộc

Liên quan đến vụ việc hàng loạt cây gạo ở thôn Nguyễn Đoài (xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên, Hà Nam) bất ngờ bị nhóm người dùng cưa đốn hạ vào chiều ngày 14/3, những người trực tiếp chặt hạ cây đã chính thức lên tiếng.

Để làm rõ thông tin sự việc, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc gặp trực tiếp với người sở hữu hàng cây gạo này, đó là ông Bùi Văn Đệ (60 tuổi) sinh sống tại thôn Nguyễn Đoài. Qua trao đổi, ông Đệ cho biết, ông được sư thầy tên Minh có ý muốn mua lại 9 cây gạo thân thẳng để đem về trồng trong 3 ngôi chùa của thôn.

Xem video: Người đồng ý cho đốn hạ cây gạo lên tiếng

“Tuy nhiên, tôi không bán cho sư thầy mà tự nguyện dâng tặng cây để tỏ lòng thành với nhà chùa. Thật ra, trong thâm tâm tôi khi chặt những cây này tôi cũng khá là tiếc, thậm chí cả đêm qua sau khi 9 cây bị chặt tôi cũng không thể yên giấc. Bởi tôi biết, hàng cây gạo từ lâu năm có rất nhiều người đến để chụp ảnh, giờ chặt đi ai cũng tiếc”, ông Đệ chia sẻ.

Tin nhanh - Vụ hàng loạt cây gạo hơn 30 năm tuổi bị đốn hạ: Chia sẻ bất ngờ của người trong cuộc

Ông Bùi Văn Đệ chia sẻ về lý do chặt hạ 9 cây gạo.

Sư thầy Minh sau khi chặt hạ 9 cây gạo sẽ trồng đều vào 3 ngôi chùa tại thôn với mục đích làm đẹp thêm không gian chùa. “Thầy có ngỏ ý trả tiền cây, nhưng tôi và gia đình đều thống nhất không lấy, mà tự nguyện dâng lên chùa”, ông Đệ thông tin thêm.

Cũng theo lời ông Đệ, hàng cây gạo này ông cùng với bố của mình là ông Bùi Văn Tuyết trồng cách đây hơn 40 năm. Chính vì thế, hàng cây này gắn với ông nhiều kỷ niệm.

Còn nói về việc bờ kênh có được trồng cây hay không thì ông Đệ cho hay trước đây cũng có nhiều cây được trồng xen với cây gạo, không ảnh hưởng gì đến ai. Người làm đồng về mệt có thể ngồi dưới gốc cây có bóng mát, nên ông cũng không thấy ai phàn nàn gì.

Cũng trao đổi thêm với PV, sư thầy Minh bày tỏ sự không hài lòng khi bị cộng đồng mạng nói những lời lẽ xúc phạm, không hay khi cho rằng sư thầy là người phá hoại cảnh quan.

Xem video: Sư thầy thanh minh về việc chặt hạ cây gạo tại thôn Đoài

“Gạo là một loại cây rất dễ trồng, chỉ cần  giâm cành xuống đất một thời gian là có thể sinh sống được và bén rễ. Vì thế, sau khi bàn bạc với ông Đệ, tôi cùng ông Đệ và một vài người đến để lựa chọn những cây thẳng, cắt tỉa những cành không cần thiết và mang về chùa để trồng. Theo tôi được biết, sắp tới ở đây sẽ có khu công nghiệp về, nếu đó thông tin thật thì hàng cây gạo cũng sẽ bị chặt hạ, vì thế tôi làm việc này là muốn bảo tồn những cây có giá trị lâu năm. Còn những lời trên mạng tôi không mấy bận tâm”, sư thầy Minh cho biết thêm.

Tin nhanh - Vụ hàng loạt cây gạo hơn 30 năm tuổi bị đốn hạ: Chia sẻ bất ngờ của người trong cuộc (Hình 2).

Sư thầy Minh (người trùm khăn) cho biết cây gạo dễ sống và việc chặt cây gạo mang về chùa là để bảo tồn.

 

Tin nhanh - Vụ hàng loạt cây gạo hơn 30 năm tuổi bị đốn hạ: Chia sẻ bất ngờ của người trong cuộc (Hình 3).

Sư thầy Minh cùng ông Đệ trồng cành cây gạo mới trên bờ kênh.

 

Trước đó, như đã đưa tin ngày 14/3, mạng xã hội xôn xao hình ảnh hàng loạt cây gạo trên bờ kênh I486 thuộc địa bàn thôn Đoài (nay là thôn Nguyễn Đoài) bị đốn hạ bất ngờ. Hình ảnh này khiến những người mê nhiếp ảnh, cũng như cộng đồng mạng tỏ ra bức xúc. Bởi, đây là địa điểm được các bạn trẻ thường xuyên ghé thăm chụp ảnh, check-in mỗi mùa tháng Ba đến, đồng thời đây cũng được coi là một trong những con đường hoa gạo đẹp nhất “vịnh Bắc Bộ”.

Tin nhanh - Vụ hàng loạt cây gạo hơn 30 năm tuổi bị đốn hạ: Chia sẻ bất ngờ của người trong cuộc (Hình 4).

Cây gạo bị đốn hạ để mang về chùa trồng, bảo tồn.

 

Trao đổi với PV lãnh đạo UBND xã Tiên Nội cho biết, hàng cây gạo là do một cá nhân trồng cách đây hàng chục năm. Tuy nhiên, trên bờ kênh không được phép trồng cây vì mỗi mùa bão đến cây dễ bị bật gốc, sạt lở bờ kênh.

“Tôi được biết, người trồng là ông Bùi Văn Tuyết đã qua đời, con trai ông Tuyết là ông Bùi Văn Đệ là người trông nom hàng cây. Người chặt cũng chính là ông Bùi Văn Đệ”, vị lãnh đạo cho hay.

Thu Huyền – Thanh Lam

Theo: nguoiduatin.vn

Back to top button