Vụ tranh chấp Thần đồng đất Việt: TAND quận 1 dời ngày tuyên án

 

Sau nhiều ngày đối đáp, vụ kiện tranh chấp bản quyền bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt giữa họa sĩ Lê Linh và công ty Phan Thị vẫn chưa có hồi kết. Tuy VKS đã đề nghị công nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất nhưng TAND vẫn dời ngày đưa ra kết luận đến 14/2.

Sau 1 tuần ngừng xử, sáng 1/2, tại TAND quận 1 (TP.HCM), đại diện cơ quan công tố phát biểu quan điểm giải quyết vụ kiện tác quyền truyện Thần đồng đất Việt giữa nguyên đơn là ông Lê Linh, bị đơn là công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh.

Về quá trình chuẩn bị xét xử, VKS đánh giá, thời gian quá lâu đã ảnh hưởng quyền lợi của đương sự, vi phạm Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự. Vì thế, cơ quan công tố đề nghị TAND quận 1 rút kinh nghiệm.

Họa sĩ Lê Linh, nguyên đơn vụ kiện có mặt tại TAND quận 1 vào sáng ngày 1/2.

Đối với yêu cầu công bố ông Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo trong truyện Thần đồng đất Việt, VKS cho rằng trong hồ sơ, cục Bản quyền cấp giấy đăng ký quyền tác giả thể hiện quyền sở hữu thuộc công ty Phan Thị dựa vào đơn ông Linh và bà Hạnh cùng là đồng tác giả.

Tuy nhiên, qua xem xét cụ thể, VKS nhận thấy không có chi tiết nào thể hiện ông Linh và bà Hạnh thừa nhận nhau là đồng tác giả.

Bên cạnh đó, trước khi ông Linh vào làm tại Phan Thị, trên thị trường chưa hề có bất kỳ bộ truyện nào có 4 hình tượng như nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Trong nhiều năm liền, trên bìa sách đều thể hiện ông Linh là tác giả của 4 nhân vật này. Bên cạnh đó, chứng cứ các tập truyện ông Linh đưa ra đều phù hợp, khẳng định ông Lê Linh là tác giả của 4 hình tượng nhân vật trong Thần đồng đất Việt.

Cũng theo VKS, đại diện công ty Phan Thị trình bày, bà Mỹ Hạnh đã cầm tay chỉ vẽ cho ông Lê Linh nhưng không hề có bằng chứng thuyết phục. Do đó, VKS nêu quan điểm, bà Hạnh không phải là đồng tác giả 4 hình tượng nhân vật đang tranh chấp.

Chính vì vậy, VKS nhận thấy công ty Phan Thị là chủ sở hữu 4 nhân vật nhưng không đồng nghĩa việc có quyền làm thay đổi bản gốc của các hình tượng này. Việc ông Linh khởi kiện yêu cầu công nhận ông là tác giả duy nhất là hoàn toàn có cơ sở chấp nhận. Công ty Phan Thị khi chưa được sự đồng ý của ông Lê Linh mà lại sáng tạo ra biến thể (các bộ truyện Thần đồng đất Việt khoa học, Thần đồng đất Việt mỹ thuật,…) là xâm phạm đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của ông Linh.

Từ những phân tích trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng, xác nhận bà Hạnh không phải là đồng tác giả. Đồng thời, đề nghị của VKS còn buộc công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra 4 hình tượng nhân vật này trên các biến thể khác nhau, buộc phía Phan Thị phải xin lỗi ông Lê Linh và phải thanh toán 20 triệu đồng chi phí luật sư cho ông Lê Linh.

Sau khi nghe quan điểm của đại diện VKS, HĐXX TAND quận 1 đã nghị án hơn 2 giờ. Chủ tọa Nguyễn Quang Quynh tuyên bố: “Xét thấy vụ kiện còn nhiều tình tiết phức tạp, cần thời gian nghị án kéo dài nên HĐXX quyết định dời phiên xử đến 14h ngày 14/2. Trong trường hợp các đương sự vắng mặt, HĐXX vẫn sẽ tuyên án theo đúng pháp luật”.

Thần đồng đất Việt là một bộ truyện thành công nhất của làng truyện tranh Việt Nam. Từ 2002 tới nay, các ấn phẩm của Thần đồng đất Việt vẫn tiếp tục ra mắt. Tác phẩm không chỉ vui vẻ, hài hước, mà còn mang tính giáo dục, đưa ra nhiều bài học lịch sử văn hóa, với câu chuyện gần gũi văn hóa dân tộc.

Theo: Nguoiduatin.vn

 

 

Back to top button